Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc - sao mà khó thế?

(ANTĐ) - Đó là nguyên văn tiêu đề tham luận của nhạc sỹ Tân Điều – Chi hội trưởng Chi hội VHNT tỉnh Tuyên Quang tại Đại hội Hội VHNT thiểu số Việt Nam.

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc - sao mà khó thế?

(ANTĐ) - Đó là nguyên văn tiêu đề tham luận của nhạc sỹ Tân Điều – Chi hội trưởng Chi hội VHNT tỉnh Tuyên Quang tại Đại hội Hội VHNT thiểu số Việt Nam.

Khép lại khá thành công sau hai ngày hội nghị với việc bầu chọn ra BCH Hội khóa IV, song nội dung chủ chốt được đưa ra bàn bạc và cũng là vấn đề cốt tử của nền VHNT thiểu số nước nhà là việc giữ gìn bản sắc dân tộc rốt cuộc vẫn chưa tìm ra được lời giải thỏa đáng. PV Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi thêm với nhạc sỹ Tân Điều về vấn đề này.

- PV: Nếu cứ nhìn vào danh sách hội viên thì rõ ràng đội ngũ văn nghệ sỹ là người dân tộc thiểu số khá đông đảo và không ngừng tăng lên. Điều đó lẽ ra phải hứa hẹn một diện mạo tươi sáng cho nền VHNT DTTS nước nhà chứ, thưa ông?

- Nhạc sỹ Tân Điều: Đông thì đông thật nhưng dễ nhìn thấy hầu hết đã già nua, cũ kỹ lắm rồi, ít nhất là về mặt tuổi tác. Thế hệ chúng tôi cũng sắp đến cái tuổi không cầm nổi bút mà sáng tác được nữa.

Thế hệ kế cận thì hiếm hoi, thưa thớt. Một số anh em trẻ lại không nhiệt tình, chỉ coi sáng tác VHNT như một cuộc dạo chơi thuần túy chứ chưa mấy ai đam mê, tâm huyết thực sự theo đuổi, tự nguyện dâng hiến cho nghề.

Gian hàng sách về đề tài dân tộc thiểu số
Gian hàng sách về đề tài dân tộc thiểu số

- PV: Việc thiếu các tác phẩm VHNT DTTS có phải lý do chính cho tình trạng này?

- Nhạc sỹ Tân Điều: Lý do thì có nhiều. Mặc dù chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung và của Hội nói riêng đều đã có và rõ ràng, song từ chủ trương đến việc thực hiện còn là khoảng cách khá xa. Việc phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và đặc biệt là sử dụng, phổ biến các tác phẩm VHNT DTTS còn là một vấn đề lớn, không biết đến bao giờ mới khắc phục được.

Các ấn phẩm giới thiệu, quảng bá cho nền văn hóa các dân tộc miền núi đều chưa thực sự phát huy hết hiệu quả. Trên các trang văn nghệ của các báo đài cũng chỉ đăng tải tác phẩm của các cây bút gạo cội, đã có tên tuổi mà không ngó ngàng đến các sáng tác trẻ. Không có đất, nên các văn nghệ sỹ trẻ nhụt chí cũng là điều dễ hiểu.

- PV:  Ông có thấy rằng VHNT hiện nay có quá ít những tác phẩm mang đậm dấu ấn nền văn hóa DTTS?

- Nhạc sỹ Tân Điều: Đúng thế. Điều này có nguyên nhân sâu xa của nó. Có một thời kỳ chúng ta đã không quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Ngày nay, con cái chúng tôi được sinh ra ở thành thị, hầu hết là không nói được tiếng mẹ đẻ. Một số vẫn sống ở làng bản nhưng đi học trường dân tộc nội trú, về đến nhà lại nói chuyện với bố mẹ bằng tiếng Kinh.

Nhiều gia đình có bố hoặc mẹ là người Kinh thì kiểu gì con cái cũng lấy dân tộc Kinh cho vào hồ sơ cá nhân. Mấy năm gần đây tự nhiên người ta làm ngược lại, giữ lấy gốc gác dân tộc thiểu số trong giấy khai sinh. Thì ra chỉ để... tăng điểm ưu tiên khi đi thi đại học. Chính vì thế việc giữ gìn bản sắc dân tộc thiểu số lại khó thế! Song đó là nguyên nhân khách quan khó có thể đổ lỗi cho thế hệ trẻ.

- PV: Vậy, chẳng lẽ, thực tế này lại không có lối thoát, thưa ông?

- Nhạc sỹ Tân Điều: Có lối thoát chứ. Các nghệ sỹ trẻ giống như cái cây, được sống trong môi trường có ánh sáng, không khí, nguồn nước tốt sẽ nhanh chóng cao lớn. Tôi tin nếu chúng ta quảng bá tốt cho nền văn hóa vừa đa dạng, vừa độc đáo của các dân tộc thiểu số anh em, khiến cho người dân tộc thiểu số biết tự hào về dân tộc mình cùng ý thức trách nhiệm gìn giữ của cả cộng đồng người Việt thì mọi việc sẽ không khó khăn, ì ạch như bây giờ!

 Hoàng Hồng (Thực hiện)