Độc đáo nhạc cụ truyền thống của người dân tộc Vân Kiều

ANTĐ - Bên cạnh các lễ hội, phong tục tập quán như Tết mừng lúa mới, Mừng hội sim, Lễ phong thần, Lễ hội đâm trâu… thì nguời Vân Kiều ở huyện Đakrông lại có thêm một kho tàng nhạc cụ dân gian truyền thống độc đáo với nhiều loại hình khác nhau.
Độc đáo nhạc cụ truyền thống của người dân tộc Vân Kiều ảnh 1
Một bộ chiêng quý của người Vân Kiều

Đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều ở huyện Đakrông được biết đến là một cộng đồng dân tộc có nền văn hóa bản địa đa sắc màu với các đặc trưng văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú và đa dạng. Bên cạnh các lễ hội, phong tục tập quán như Tết mừng lúa mới, Mừng hội sim, Lễ phong thần, Lễ hội đâm trâu… thì nguời Vân Kiều ở huyện Đakrông lại có thêm một kho tàng nhạc cụ dân gian truyền thống độc đáo với nhiều loại hình khác nhau. Chính những nhạc cụ này đã cấu thành nên những âm thanh đặc sắc của con người và cảnh vật núi rừng nơi đây. Nhạc cụ của người Vân Kiều chưa thật sự phong phú và kỹ năng chế tác còn thô sơ nhưng nó được xem là di sản quý báu trong kho tàng văn hóa dân gian của người Vân Kiều từ xưa đến nay.

Lịch sử mưu sinh của đồng bào dân tộc Vân Kiều gắn liền với núi rừng. Cuộc sống quanh năm gắn bó với con sông, con suối với cảnh nương rẫy, núi non trùng điệp đã tác động rất lớn đến sự hình thành nhân cách cũng như lối sống sinh hoạt đặc trưng của con nguời nơi đây. Và nhạc cụ truyền thống của họ cũng được hình thành theo lối sống sinh hoạt lao động đó. Bằng những nguyên liệu có từ thiên nhiên như tre, nứa, lá cây và một số loại cây rừng khác họ có thể chế tạo ra những loại nhạc cụ độc đáo thông qua đôi bàn tay lao động khéo léo và đầu óc cảm nhận âm thanh tuyệt mỹ. Nhạc cụ của họ là những sản phẩm thủ công nên mang tính thuần túy riêng biệt. Sáng tạo nhạc cụ từ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày nên việc sử dụng nó cũng gắn liền với những sự kiện của đời sống. Vào các ngày lễ hội hay cưới hỏi chúng ta dễ dàng bắt gặp những nhạc cụ này. Tùy từng sự kiện khác nhau mà người dân nơi đây sẽ sử dụng loại nhạc cụ phù hợp.

Nghệ nhân Mai Sen biểu diễn đàn Ta lư

Nhạc cụ truyền thống của người Vân Kiều tương đối nhiều. Tuy nhiên, hiện nay người ta chỉ sưu tầm và lưu giữ được một số loại tiêu biểu như: Sáo, khèn bè, Pluoaq, đàn ta lư, thanh la, chiêng, kèn... Trong số các loại nhạc cụ này, loại nhạc cụ phổ biến nhất phải kể đến là sáo. Sáo của người Vân Kiều có rất nhiều loại như Pi là loại sáo dùng để thổi trong lễ cúng tế, đặc biệt là lễ cúng cầu hồn, nó thể hiện sự trang trọng linh thiêng của các thấy mo. Nếu không cách điệu thì sáo Pi có thể nói là một nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc trong cúng tế của người Vân Kiều.

Sáo Khui là loại sáo phổ nhạc hát đệm làn điệu Xà nớt, thường để diễn tả, biểu đạt nhân tình thế thái về quan hệ xã hội, dòng tộc, làng bản. Qua sáo Khui người ta giải bày nhiều điều thầm kín trong lòng mà chỉ có cuộc giao lưu đó mới biểu đạt được một cách thấu đáo cái lý và cái tình. Sáo Teril là một loại nhạc cụ dùng cho thanh niên hát giao duyên bằng làn điệu Oát. Ngoài ra người Vân Kiều có Khèn môi là loại nhạc cụ dùng cho nam và nữ thổi trong lúc hát giao duyên, tâm tình tự sự. Pluaq là loại nhạc cụ được làm bằng ống nứa và có dây tơ rừng, nhìn kiểu như đàn nhị.

Người Vân Kiều biểu diễn nhạc cụ Thanh la

Đàn Ta lư hay còn gọi là Măngđôlin có 2 dây, được làm bằng gỗ mực, có thùng đàn rỗng. Loại nhạc cụ này phục vụ cho các đôi nam nữ vừa hát dân ca kết hợp với các bài hát đương đại, đặc biệt nó được dùng trong các lễ hội vui tươi, nhộn nhịp, tự nhiên và nó không bao giờ phục vụ trong đám đình. Khèn là loại nhạc cụ được người Vân Kiều sử dụng phổ biến trong các lễ hội tươi vui. Thanh la và Chiêng được làm bằng đồng. Chiêng là loại nhạc cụ thường sử dụng trong các lễ hội truyền thống như Mừng lúa mới, lễ Khơi, Lễ hội đâm trâu... còn Thanh la là loại nhạc cụ truyền thống mà người Vân Kiều dùng để hòa giải và thể hiện sự phẫn nộ của mình...

Trước đây, người Vân Kiều chỉ quen sử dụng các nhạc cụ này trong đời sống sinh hoạt và trong các nghi lễ của làng, bản. Điều đó được quy định rõ ràng. Nhưng nay khi cuộc sống ngày càng hiện đại, xã hội ngày càng văn minh thì việc sử dụng các nhạc cụ đó có phần tiến bộ hơn. Họ không bó hẹp phạm vi sử dụng mà thay vào đó họ đã biết mở rộng, biết đưa những nhạc cụ truyền thống kết hợp với các làn điệu dân ca và sử dụng trên sân khấu biểu diễn, mang cái truyền thống phổ biến rộng rãi đến quần chúng. Tuy nhiên để nhạc cụ truyền thống của người Vân Kiều có cơ hội phát huy giá trị trong đời sống hiện đại thì tất yếu cần sự hỗ trợ thích hợp để bảo tồn di sản văn hóa truyền thống này đúng nghĩa.