Yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế

ANTĐ - Hôm qua 14-7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Hải Bình đã chủ trì cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, với tâm điểm là phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Hải Bình

- PV: Ông cho biết một số nội dung chính được nêu trong Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa Trọng tài Thường trực ngày 5-12-2014?

- Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Hải Bình: Ngày 5-12-2014, Việt Nam có gửi Tuyên bố của Bộ Ngoại giao đến Tòa Trọng tài. Tôi xin tóm tắt một số ý chính trong Tuyên bố đó: Việt Nam ủng hộ việc tuân thủ và thực thi đầy đủ các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 

(UNCLOS), kể cả việc giải quyết mọi tranh chấp liên quan đến việc giải thích về áp dụng Công ước bằng các biện pháp hòa bình. Việt Nam bảo lưu các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông, trong đó có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các quyền và lợi ích tại các vùng biển được xác định theo Công ước. 

Việt Nam mong rằng, Tòa Trọng tài giải thích và áp dụng các quy định liên quan của Công ước trong vụ kiện để đưa ra phán quyết công bằng và khách quan. Việt Nam đề nghị Tòa Trọng tài đặc biệt quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông. Việt Nam sẽ xem xét các bước đi tiếp theo để bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia. 

- Xin cho biết quan điểm chính thức của Việt Nam về phán quyết của PCA. Theo ông, phán quyết đó có đáp ứng mong đợi của Việt Nam là công bằng và khách quan không?

- Ngày 12-7-2016, ngay sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết, tôi đã có phản ứng đầu tiên là phản ánh quan điểm của Việt Nam đối với phán quyết. Cũng trong phản ứng đầu tiên đó, tôi đã thông báo Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung của phán quyết. 

- Theo Reuters, ngày 12-7, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố hạ cánh thành công máy bay dân sự xuống đường băng trên Đá Vành Khăn và Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trước đó, ngày 11-7, Bộ Giao thông Trung Quốc khẳng định đã hoàn thành 4 hải đăng và động thổ thêm hải đăng thứ 5 trên các đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc này?

- Việt Nam một lần nữa khẳng định có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử, khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bất chấp phản đối của Việt Nam, sự quan ngại của cộng đồng quốc tế, những hoạt động nêu trên của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, là phi pháp và không thể thay đổi sự thực về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và không có thêm các hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.  

- Sau khi PCA ra phán quyết, có lo ngại cho rằng Trung Quốc sẽ gây căng thẳng tại Biển Đông, nguy cơ xảy ra các va chạm ngư dân với các lực lượng giữa các nước gia tăng, Việt Nam đã chuẩn bị gì cho tình huống này cũng như những biện pháp và chính sách nào để bảo vệ ngư dân đánh bắt trên Biển Đông?

- Chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế, tôn trọng luật pháp quốc tế, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có những hành động làm phức tạp tình hình, góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông và trong khu vực. Về phía Việt Nam, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn sẵn sàng mọi biện pháp để góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực; cũng như luôn có các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân Việt Nam bám biển và duy trì việc đánh bắt thường xuyên tại các ngư trường truyền thống từ bao đời nay của Việt Nam. 

Sau vụ tàu Hải quân Thái Lan nổ súng vào tàu cá của tỉnh Bến Tre khiến 2 ngư dân Việt Nam bị thương, có nguồn tin cho rằng, Thủ tướng Thái Lan đã bác bỏ hành động này, cho rằng thông tin có phần không chính xác do truyền thông Việt Nam thêm thắt, thổi phồng sự việc.

Về việc này, ông Lê Hải Bình cho biết:  Chúng tôi đã có thông tin về vụ việc cho báo chí vào ngày 11-7. Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, ngư dân Tô Hồng Ngọc, người được cho là đã mất tích, đã về đến địa phương an toàn. Trước đó, theo đề nghị rất sát sao của Việt Nam, phía Thái Lan đã tích cực tìm kiếm ngư dân này.

Chiều 13-7, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok thông báo cho phía Thái Lan để dừng việc tìm kiếm. Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan vẫn đang làm việc với các cơ quan chức năng của Thái Lan để làm rõ các thông tin liên quan khác, đồng thời có các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ và bảo hộ đối với công dân Việt Nam.