Yên tâm hơn với “xe ôm hãng”

ANTĐ - Không mặc cả, không chặt chém, giá lại rẻ hơn 1/3 so với “xe ôm” thông thường, dịch vụ motor taxi đang thu hút được sự quan tâm của người dân bởi sự tiện dụng và an toàn.

Hà Nội bùng nổ motor taxi tính cước theo đồng hồ

Vài năm trước, người dân TP Hồ Chí Minh hết sức ngạc nhiên và thích thú khi nhìn thấy nhiều bác “xe ôm” nhếch nhác hàng ngày bỗng dưng đồng loạt mặc đồng phục. Những chiếc “xe ôm” cà tàng cũng lột xác khi gắn thêm tấm biển “Motor Taxi” kèm đồng hồ tính cước. Sau TP Hồ Chí Minh thì Hà Nội là thành phố thứ 2 bắt đầu làm quen với loại hình “xe ôm” có tổ chức như thế này.

Với ưu điểm tiện lợi, cơ động và chi phí vừa đủ đối với những chặng đường ngắn, xe ôm đã trở thành phương tiện giao thông cực kỳ quen thuộc với người dân từ thành thị tới miền núi, nông thôn… Tuy nhiên, tình trạng loạn giá, nói thách, chèo kéo hay đeo bám khách khiến không ít người luôn giữ thái độ cảnh giác mỗi khi cần sử dụng loại dịch vụ này. Cá biệt tình trạng lừa đảo hay chạy vòng vèo để tăng giá cũng là mối lo ngại với hành khách, đặc biệt là những người ngoại tỉnh. Mặc dù trước đây, một số bến xe đã cố gắng đưa dịch vụ “xe ôm” tự phát vào quy củ bằng cách phát đồng phục và yêu cầu tập trung tại từng khu vực nhằm giảm thiểu tình trạng lộn xộn, nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn. Do đây là loại hình lao động thời vụ và cũng không có ràng buộc về cơ chế làm việc, cộng thêm sự manh mún, vô ý thức của mỗi cá nhân nên sau đó lại mạnh ai nấy lo. 

Vì thế khi một số doanh nghiệp tại Hà Nội “nhân bản” mô hình motor taxi, đưa hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe máy vào quy củ, có cơ chế quản lý xe và người nên đã nhanh chóng nhận được sự ưu ái của đại đa số hành khách. Mặc dù vẫn chỉ là dịch vụ vận tải, đưa đón hành khách bằng xe máy, nhưng motor taxi lại có đồng hồ tính cước, bảng giá niêm yết công khai kèm đường dây nóng, nhân viên mặc đồng phục và thái độ thân thiện. Cũng từ đây, khái niệm “xe ôm hãng” và “xe ôm dù” ra đời nhằm phân biệt giữa những bác tài tự phát và những bác tài chạy xe ăn lương. Còn hành khách, dĩ nhiên, sẽ chọn những dịch vụ mà họ yên tâm nhất. 

Anh Lê Hồng Tuấn, sinh viên trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội cho biết: “Lần đầu tiên nhìn thấy những chiếc xe máy có dán lôgô taxi đậu ở bến xe Mỹ Đình, em rất ngạc nhiên. Một lần đi thử từ bến Mỹ Đình về Long Biên em thấy giá cước tính theo đồng hồ chỉ có 75 nghìn đồng. Trong khi đó mọi lần em đi “xe ôm dù” toàn hết từ 100-120 nghìn đồng. Lại phải mặc cả lên mặc cả xuống. Thế là từ đó có việc đi đâu, em toàn gọi điện cho xe ôm hãng. Vừa rẻ, vừa tiện”.

Hiện tại ở Hà Nội có khoảng 6 hãng motor taxi như Bình An, Âu Cơ, Thân Thiện, Văn Minh… hoạt động khá hiệu quả. Tuy nhiên, do mô hình còn mới mẻ, công ty nhỏ nên số lượng xe của các hãng chưa nhiều. Lớn nhất cũng chỉ tới gần 100 đầu xe như của Văn Minh. Ông Nguyễn Bảo Trung, Đội trưởng Đội quản lý xe Công ty cổ phần dịch vụ vận tải Văn Minh cho biết: “Tất cả các xe của công ty đều được gắn đồng hồ tính cước, chip định vị GPS theo quy định, do đó mỗi lộ trình của lái xe chúng tôi đều nắm được. Hành khách nếu không biết đường cũng không còn phải lo về việc bị đưa đi vòng vèo nữa. Ngoài ra 100% lái xe khi vào công ty đều được ký HĐLĐ và không phải đặt cọc tiền xe. Tuy nhiên, họ phải có bằng lái và kiểm tra sức khỏe định kỳ, đảm bảo không bệnh tật, nghiện hút và được tập huấn về tác phong ứng xử với khách hàng. Trường hợp nếu lái xe phục vụ không vừa lòng, hành khách cũng có thể phản ánh trực tiếp tới số đường dây nóng in trên thân xe”.

Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội khẳng định: “Thành phố nhiều lần có ý kiến đưa hoạt động của dịch vụ “xe ôm” vào quy củ nhằm đảm bảo an toàn giao thông và trật tự xã hội, nhưng vẫn chưa thực hiện được do đây là loại hình dịch vụ tự phát rất khó quản lý. Do đó khi các doanh nghiệp đưa ra loại hình này, tôi cho rằng đó là mặt tích cực. Hành khách sẽ được sử dụng dịch vụ một cách minh bạch và an toàn. Quyền lợi và nghĩa vụ của người hành nghề cũng được đảm bảo hơn. Tôi cho rằng đây là một nghề giải quyết được nhu cầu thiết yếu của người dân cũng như tạo công ăn việc làm cho khá nhiều lao động, đặc biệt là những người đã về hưu nhưng vẫn còn sức khỏe. Trong khi chúng ta chưa giải quyết được bài toán quản lý “xe ôm” và trật tự an toàn đô thị thì hãy để những gì ưu việt phủ định những tồn tại, nhếch nhác bấy lâu nay”.