Y tế cơ sở bị bỏ quên

(ANTĐ) - Cuối năm 2007, Bộ Y tế đã yêu cầu các BV trực thuộc Bộ hoàn thiện đề án chống quá tải BV và nâng cao hiệu quả, chất lượng khám chữa bệnh để Bộ thẩm định và phê duyệt.

Y tế cơ sở bị bỏ quên

(ANTĐ) - Cuối năm 2007, Bộ Y tế đã yêu cầu các BV trực thuộc Bộ hoàn thiện đề án chống quá tải BV và nâng cao hiệu quả, chất lượng khám chữa bệnh để Bộ thẩm định và phê duyệt.

Một năm đã trôi qua, hàng loạt đề án, các sáng kiến chống quá tải BV đã được triển khai như đẩy mạnh xã hội hóa để xây dựng thêm cơ sở khám chữa bệnh, tiết kiệm diện tích BV để tăng cường giường điều trị... Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Y tế tại hội nghị tổng kết ngành y tế năm 2008 vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, cho đến thời điểm này, tình trạng quá tải vẫn phổ biến ở hầu hết các BV và chưa có xu hướng giảm.

Trong những nguyên nhân được đưa ra nhằm lý giải cho công tác giảm quá tải BV chưa đạt hiệu quả cao, nhiều chuyên gia thẳng thắn cho rằng, khoảng cách quá lớn giữa các tuyến điều trị là nguyên nhân chính. Sự chênh lệch quá lớn về trình độ chuyên môn, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật của các BV tuyến Trung ương với các BV, cơ sở điều trị tuyến dưới là nguyên nhân khiến bệnh nhân luôn muốn vượt tuyến điều trị, gây quá tải ở các BV tuyến Trung ương. Có thể thấy, trong khi việc phát triển thêm giường bệnh tại các BV tuyến Trung ương rất khó khăn thì việc nâng cấp, phát triển mạnh y tế cơ sở, từ tuyến xã, phường đến tuyến huyện, tỉnh là giải pháp khả thi hơn cả để giảm quá tải BV cho tuyến trên. Vậy nhưng vấn đề này đến nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Theo báo cáo của Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), trên cả nước vẫn còn gần 33% số trạm y tế xã, phường, thị trấn không có bác sĩ công tác. Thực trạng này không chỉ xảy ra phổ biến ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa mà còn tồn tại ở cả những thành phố lớn. Thậm chí ngay trên địa bàn Thủ đô Hà Nội còn đến 3 xã, thị trấn chưa có trạm y tế. Không phải ngành y tế không chú trọng tới tuyến khám chữa bệnh ban đầu, nhưng cái khó là chính sách đãi ngộ đối với y tế cơ sở chưa thỏa đáng. Hiện tại, trung bình mỗi trạm y tế xã được đầu tư kinh phí 10 triệu đồng/trạm/năm. Chế độ phụ cấp thường trực cho nhân viên y tế trạm cũng chỉ là 10.000đ/người/phiên trực... Kinh phí hạn chế như vậy khiến các trạm duy trì hoạt động tốt đã khó chứ chưa nói đến việc nâng cấp hay cử cán bộ đi đào tạo nâng cao tay nghề, thu hút bác sĩ về công tác.

Năm 2008, Bộ Y tế đã triển khai Đề án 1816 về luân phiên cán bộ y tế xuống hỗ trợ công tác điều trị tuyến dưới, tuy nhiên việc luân phiên cán bộ y tế chỉ mang tính chất hỗ trợ chứ rõ ràng không phải là biện pháp lâu dài để phát triển y tế cơ sở. Chỉ khi y tế cơ sở được đầu tư nhiều hơn về hạ tầng, kỹ thuật, có bác sĩ công tác thì khi đó mới tạo được niềm tin đối với người bệnh, góp phần quan trọng giảm bớt lượng bệnh nhân đổ dồn về các BV tuyến Trung ương như hiện nay.

Duy Tiến