Ý kiến chính đáng của nhân dân về dự án làng nghề tạc tượng kết hợp du lịch

(ANTĐ) - Báo ANTĐ nhận được đơn của 1.293 hộ dân xã Sơn Đồng, Hoài Đức đề nghị làm rõ dự án làng nghề tạc tượng tại địa phương.

Ý kiến chính đáng của nhân dân về dự án làng nghề tạc tượng kết hợp du lịch

(ANTĐ) - Báo ANTĐ nhận được đơn của 1.293 hộ dân xã Sơn Đồng, Hoài Đức đề nghị làm rõ dự án làng nghề tạc tượng tại địa phương.

Trong đơn, bà con nêu, ngày 21-4-2008, để thực hiện dự án “Điểm làng nghề truyền thống kết hợp du lịch - Làng tạc tượng”, chính quyền địa phương đã thông báo thu hồi 354.493,1m2 đất ruộng ở xã. Bức xúc theo bà con bắt đầu ở chỗ, một dự án lớn như vậy nhưng không hề có cuộc bàn bạc, thảo luận gì với dân; các Quyết định số 996, 997, 998/QĐ-UBND về việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ đấu giá, triển khai phương án hỗ trợ giải phóng mặt bằng... đều ký cùng 1 ngày...

Ông Nguyễn Hữu Đức, xóm Đình cho biết: Dự án có từ ngày 21-4 nhưng đến 13h30 ngày 10-5, UBND xã Sơn Đồng mới thông báo một lần về dự án trên đài truyền thanh xã, trong khi thông báo này lại được đưa về các thôn xóm với “đề nghị” các tổ trưởng thôn xóm không phổ biến đến các hộ gia đình( ?!). Chúng tôi rất bất bình trước cách hành xử này. Nếu đây là dự án điểm mang lại lợi ích cho đông đảo bà con nông dân, tại sao không công khai dự án từ trước để nhân dân góp ý xây dựng, phát triển làng nghề?

Ông Nguyễn Viết Mậu, một người dân khác cho biết: Nhiều khu ruộng trũng rộng cả trăm hecta để không thì các vị cán bộ xã không lập dự án xin xây dựng làng nghề mà lại thu hồi đất 2 vụ lúa, 1 vụ màu của dân. Đất để làm dự án đa số là ruộng cao nằm sát đường quốc lộ, trong khi những khu đất sử dụng sai mục đích lại tiếp tục được cho thuê với thời hạn trên 10 năm. Chúng tôi nhiều lần chất vấn cán bộ xã, tại sao không thu hồi đất sai phạm để lập dự án, nhưng không được trả lời.

Dự án làng nghề gây nhiều bức xúc cho bà con
Dự án làng nghề gây nhiều bức xúc cho bà con

Tiếp PV Báo ANTĐ, Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng, ông Nguyễn Chí Mậu ghi nhận: Trước đây, nhiều dự án của xã nhằm cải thiện, nâng cao đời sống kinh tế cho địa phương đã có sai sót dẫn đến nhiều người có suất đất trong dự án cố tình chuyển nhượng quyền sử dụng đất gây phản ứng trong dân. Để khắc phục những khuyết điểm đó, sau khi nhận được chỉ thị của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) về thí điểm phát triển làng nghề, từ năm 2003, xã đã triển khai thực hiện dự án làng nghề tạc tượng và sau khi chủ dự án là Sở Xây dựng hoàn thành dự án, được phê duyệt, tháng 5 chúng tôi mới thông báo đến nhân dân để cùng bàn bạc thực hiện.

Cũng theo ông Mậu, dự án còn chưa triển khai, chưa họp dân, mọi thứ vẫn còn trên giấy. Tuy nhiên, như lời bà Đăng Thị Thịnh, xóm Đình: Dự án làng nghề, nếu làm đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, công khai, minh bạch, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Dự án làng nghề này, từ quyết định thực hiện dự án và thông báo của huyện đều ký cùng một ngày; quyết định hỗ trợ giải phóng mặt bằng và bồi thường 45.750.000 đồng/sào đã có sự sắp xếp, không hề có sự bàn bạc dân chủ.

Cũng xin nói thêm, trước đây, dự án làng nghề của một người dân trong xã xin 8ha làm nghề tạc tượng là hoàn toàn phù hợp với năng lực, nhu cầu của nhân dân. Bởi dân Sơn Đồng hiện chỉ có 20% làm nghề tạc tượng, còn phần lớn là làm thêu, mây tre đan và nhiều nghề khác. Song, không hiểu sao khi lên xã, huyện lại lên đến 43ha và thực chất, đây là dự án của doanh nghiệp, cụ thể là của bà Nguyễn Thị Bích Dậu, Công ty Đầu tư và Phát triển Sơn Đồng, chứ không phải dự án của Nhà nước.

Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng, ông Nguyễn Chí Mậu cho rằng: Do có quá nhiều đơn xin tham gia dự án nên UBND xã mới làm tờ trình lên huyện xin mở rộng dự án với mong muốn đem lại nhiều lợi ích cho bà con. Về những bức xúc của nhân dân, ông Mậu thông tin: Mọi công việc thỏa thuận với dân sẽ tiếp tục được thực hiện nhằm đảm bảo quyền lợi cho bà con.

Dự định UBND huyện sẽ phân cho dân khoảng 10% đất bị thu hồi trong khu dự án. Ông Nguyễn Đình Khang, một người dân xã Sơn Đồng phát biểu: Người dân chúng tôi luôn mong muốn được cùng chính quyền họp bàn về quy mô, cách thức triển khai, quá trình kiểm tra, giám sát dự án. Từ đó, thống nhất diện tích cần cho làng nghề đến đâu, đấu giá thế nào cho thiết thực đối với đời sống nhân dân...

Thiết nghĩ, ý kiến của người dân xã Sơn Đồng là chính đáng, đề nghị chính quyền xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức sớm tổ chức trao đổi, giải thích, thống nhất với dân để bà con hiểu được chủ trương, chính sách, đảm bảo ANTT địa phương, cùng đoàn kết xây dựng làng nghề, nâng cao đời sống kinh tế tại địa phương.

Hà Lâm - Nguyễn Long