Xuất khẩu tăng trưởng chưa bền vững

ANTĐ - Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh bên lề hội thảo “Tăng trưởng bền vững xuất khẩu sản phẩm công nghiệp” diễn ra sáng 5-11. Theo ông Trần Tuấn Anh, để đạt được các mục tiêu xuất khẩu năm 2015, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thông tin thị trường cho doanh nghiệp.

- PV: Thứ trưởng đánh giá thế nào về hoạt động xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam thời gian qua? Tăng trưởng xuất khẩu được như kỳ vọng chưa?

- Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: 10 tháng năm 2015, thống kê sơ bộ cho thấy tăng trưởng xuất khẩu khoảng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhập siêu bằng 3,1% kim ngạch xuất khẩu. So với mục tiêu kế hoạch năm là tăng trưởng xuất khẩu 10% thì chưa đạt được, còn kiểm soát nhập siêu thì khá tích cực. 

Nguyên nhân khiến xuất khẩu chưa đạt mục tiêu là do ảnh hưởng từ khó khăn chung của tình hình thế giới. Đặc biệt, có những mặt hàng giá giảm sâu, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu như: nguyên liệu khoáng sản (dầu thô, than đá); nông lâm thủy sản (tôm, gạo…).

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 78,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng của nhóm khoảng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hàng dệt may, da giày, chế biến đồ gỗ, điện thoại, máy tính, thiết bị điện tử đều đạt và cao hơn so với kế hoạch. Ví dụ, xuất khẩu điện thoại tăng trên 32%. Kim ngạch xuất khẩu dệt may cả năm là 26-27 tỷ USD, nhưng con số đạt được có thể là 27,5-28 tỷ USD...

Giá thủy sản xuất khẩu giảm sâu

- Những mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu cao và liên tục nói trên có bền vững? Ngoài ra, những mặt hàng xuất khẩu nào tăng trưởng còn bấp bênh, thưa Thứ trưởng?

- Dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại tăng trưởng đều và cao trong thời gian qua nhưng chưa hàm chứa yếu tố bền vững! Vì bền vững còn liên quan đến kết cấu giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu như thế nào, trong khi thực tế chúng ta còn đang yếu, hàng Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu. Tuy nhiên, tăng trưởng đó là tích cực.

Một số mặt hàng khác xuất khẩu chưa đạt mong muốn như công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm. Xuất khẩu nông lâm thủy sản (tôm đông lạnh, thủy sản chế biến, nông lâm thủy sản sơ chế) chịu tác động mạnh của thị trường thế giới, kim ngạch giảm đến 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do thị trường thế giới liên tục giảm giá nhiều mặt hàng. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh rất mạnh, nhưng sản phẩm Việt Nam lại chưa được định hình về chất lượng và thương hiệu nên chịu nhiều thua thiệt, không đáp ứng được hàng rào kỹ thuật của quốc gia nhập khẩu… 

- Thành tích xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp FDI. Vậy có thể coi là bền vững không, thưa Thứ trưởng?

- Xét về yếu tố bền vững, với doanh nghiệp FDI đa quốc gia thì họ có được vị trí trong chuỗi cung ứng là hiển nhiên. Thế nên dẫu có biến động trên thế giới về nguồn cung ở đầu vào, dao động thị trường ở đầu ra, họ cũng ít bị ảnh hưởng hơn các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, với các doanh nghiệp và thương hiệu đã được khẳng định, sản phẩm của họ ít chịu tác động về giá cả, thị trường và cạnh tranh nên họ có yếu tố bền vững. 

Tuy nhiên, dưới góc độ quốc gia, chúng ta cũng cần nhìn nhận sự bền vững từ những doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước, sử dụng đầu vào trong nước, hướng đến giá trị gia tăng nội địa… Một nền kinh tế muốn phát triển mạnh mẽ và bền vững cần ngành sản xuất có tính tự chủ, ít nhất phải đáp ứng nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho nền kinh tế. Chỉ khi có ngành công nghiệp cơ bản đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước mới đảm bảo tính bền vững của sự phát triển.