Xóm trọ nhân ái của gần 60 mảnh đời bất hạnh

ANTĐ - Người dân ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng thường hay gọi bà Phan Thị Dung (SN 1959) là cô đại lý vé số tốt bụng. Không những tạo công ăn việc làm cho gần 60 người khuyết tật, phụ nữ đơn thân và người già…, bà Dung còn dành riêng 20 căn phòng trọ của mình cho họ ở miễn phí.

Xóm trọ nhân ái của gần 60 mảnh đời bất hạnh ảnh 1

Những mảnh đời truân chuyên

Gần 15 năm nay, khu nhà trọ nằm cạnh đường ray tàu lửa thuộc phường Xuân Hà là chỗ trú ngụ của hơn 60 mảnh đời bất hạnh, có những cụ già đã ngoài 80 tuổi. Họ nương tựa, giúp đỡ nhau mưu sinh nơi đất khách quê người bằng nghề bán vé số.  Bất kì ai trong số họ mỗi ngày cũng đều đi bộ không dưới 10km, người “sang” hơn một chút thì có chiếc xe đạp.

Khi nghe nói nơi đây có mái nhà tình thương, người nọ truyền tai người kia, cuối cùng họ tìm đến đây để ở. Tìm về xóm trọ đặc biệt này, ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là những chiếc xe lăn xếp hàng dài hai bên đường dẫn vào khu trọ. Họ chia nhau từng mét vuông sàn nhà để ngủ, có lúc khó khăn họ phải ngủ cả trên võng và ghế.

Tiếp chúng tôi là một phụ nữ trung niên với nụ cười luôn sẵn trên môi niềm nở. Bà là Phan Thị Dung (SN 1959), chủ đại lý vé số, chính là người đã tạo công ăn việc làm cho gần 60 người khuyết tật, phụ nữ đơn thân và người già… Khi nghe chúng tôi muốn tìm hiểu về bà để viết báo, bà Dung xua tay cười nói: “Thôi viết làm chi chú ơi! Việc làm nhỏ này của tôi thì có đáng chi đâu mà viết…”. 

Khi đã gần gũi hơn, bà Dung trải lòng, sinh ra trong một gia đình nghèo nên từ nhỏ bà đã phải chịu nhiều khổ cực. Đến năm 20 tuổi, bà lập gia đình với một người cùng làng. Thế nhưng, số phận hẩm hiu khi không lâu sau thì người chồng qua đời vì bạo bệnh, bỏ lại cho bà 4 đứa con thơ đang tuổi ăn học.

Từ ngày chồng mất, để có tiền nuôi con, hàng ngày bà đi bộ hàng chục km để bán vé số. Mỗi ngày kiếm được dăm ba đồng tiền lãi, chỉ đủ mua gạo để nuôi 5 miệng ăn sống qua ngày. Thế rồi bất hạnh lại ập đến khi 2 đứa con cũng bỏ bà ra đi vì bệnh nặng nhưng không có tiền chữa trị. Tai họa liên tiếp đổ xuống, tưởng chừng bà Dung sẽ suy sụp hoàn toàn. Nhưng rồi, bà lại gắng gượng tiếp tục làm lụng để nuôi các con nên người. Sau nhiều năm tích góp được một ít vốn, đầu năm 2000, bà mở đại lý vé số tại nhà.

Từng mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo nên hơn ai hết, bà Dung hiểu được khó khăn của những người xa quê mà không có chỗ ở. Chạy vạy vay mượn khắp nơi được vài chục triệu đồng, bà quyết định xây 20 phòng trọ để cho những người khuyết tật, người già đơn thân, người nghèo ở miễn phí.

Không những vậy, bà còn không lấy tiền điện nước và tạo điều kiện cho họ nhận vé số đi bán mà không cần tiền cọc trước. Chia sẻ về việc làm của mình, bà Dung cho biết: “Từng trải qua những ngày tháng nghèo khổ nên tôi hiểu và đồng cảm với những người bán vé số dạo. Họ đều là người nghèo, người khuyết tật cả. Họ đi bán vé số kiếm từng nghìn lẻ để mưu sinh và còn gửi về quê nuôi gia đình thì tiền đâu mà thuê trọ…”. 

Xóm trọ nhân ái của gần 60 mảnh đời bất hạnh ảnh 2

Niềm tin không cần thế chấp

Khi được hỏi “bà không sợ người ta cầm vé số rồi bỏ trốn à?”, bà Dung cười nói: “Làm ăn lâu dài thì phải tin tưởng nhau, mà đã tin rồi thì cần chi phải thế chấp. Thật ra cũng có vài người ẵm cọc vé mấy triệu đồng của tôi rồi bỏ đi biệt tích. Tôi giận nhưng không trách họ vì nghĩ chắc họ đang gặp khó khăn nên mới làm vậy thôi…”. Không chỉ cho người bán vé số ở trọ miễn phí, bà Dung cũng thường làm rất nhiều việc thiện. Cứ hễ nghe tin ở đâu có gia đình gặp khó khăn là bà lại tìm đến tận nhà để thăm hỏi, động viên và giúp đỡ họ. 

Nhắc đến bà Dung, anh Lê Tấn Hùng (SN 1978) tỏ ra cảm kích. Anh Hùng bị bại liệt sau một trận sốt nặng khi mới 3 tuổi. Lớn lên anh kết duyên với một người phụ nữ cùng thôn rồi lần lượt sinh được 2 đứa con.  Tuy vợ anh cơ thể bình thường nhưng sức khỏe rất ốm yếu, lại mắc căn bệnh đại tràng nên không làm được việc nặng.

Gánh cả gia đình trên vai nên đầu năm 2010, anh lặn lội ra Đà Nẵng bán vé số mưu sinh. Ngày mới chân ướt chân ráo ra thành phố, chính bà Dung đã đến tận bến xe đón anh về khu trọ của mình cho tá túc. Thấy anh tật nguyền, bà Dung còn mua tặng anh một chiếc xe lăn để thuận tiện đi bán vé số…

Anh Hùng chia sẻ: “Dạo này trời hay mưa to nên vé số ế lắm! Mấy hôm trước, 2 đứa con ở quê cứ điện thoại xin tiền nộp học phí liên tục, bí quá không biết phải xoay sở sao. Cũng may, thấy tôi lo lắng, cô Dung hỏi thăm rồi cho tôi mượn tiền để gửi về quê cho con kịp nhập học. Biết tôi bị tật nguyền nên cô Dung còn ưu tiên bố trí cho ở phòng riêng, nhiều lúc tôi bị đau ốm, cô còn đích thân nấu cháo giải cảm và mua thuốc cho tôi uống”. 

Cùng chung cảnh ngộ như anh Hùng, nhưng anh Phạm Khánh Thương (24 tuổi, quê Quảng Ngãi) lại kém may mắn hơn khi không có gia đình. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lại mắc bệnh động kinh, năm 8 tuổi, khi đang nấu cơm, anh bỗng lên cơn co giật rồi ngã vào bếp lửa khiến tay phải bị bỏng nặng. Được một người thân giới thiệu, năm 2005, anh Thương xin vào ở trọ và đi bán vé số cho bà Dung.

Biết bệnh tình của anh, bà Dung bố trí cho anh ở sát bên phòng của mình để tiện chăm sóc. Anh Thương bộc bạch: “Mỗi lần tôi lên cơn động kinh, nghe tiếng kêu la của tôi là cô Dung lại chạy sang chăm sóc… Có vài lần đang đi bán, tôi lên cơn co giật làm mất cả mấy trăm tờ vé số, nhưng cô Dung thấy hoàn cảnh của tôi tội nghiệp nên xí xóa hết luôn chứ không bắt đền… Tôi quý cô như mẹ của mình vậy”.

Còn chị Lê Thị Thủy (40 tuổi, trú huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đã ở trọ và lấy vé số của bà Dung hơn 10 năm nay chia sẻ, trước đây, chị lấy vé số của một đại lý dưới quận Hải Châu, nhưng vì phải thuê trọ để ở, lại chi trả tiền điện nước nên thu nhập rất ít. Từ ngày chuyển về ở trọ với bà Dung, mỗi tháng chi tiêu tiết kiệm, chị cũng để dành được hơn 1 triệu đồng gửi về quê nuôi 2 con ăn học.

“Trước đây lấy vé số của những đại lý khác, họ không cho lấy thiếu. Khi mình đau bệnh họ cũng mặc kệ, không quan tâm. Còn cô Dung thì coi anh chị em chúng tôi như ruột thịt trong nhà. Hễ có ai đau ốm là cô lập tức chạy sang thăm hỏi, giúp đỡ”, chị Thủy tâm sự.

Những câu chuyện về những mảnh đời khu nhà trọ này dường như không có hồi kết bởi người đi, người đến, mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng, nhưng mọi người đều yêu thương, đùm bọc nhau như một gia đình. Gần 60 người là gần 60 số phận đã phải trải qua nhiều sóng gió và cuộc sống hết sức khó khăn. Họ nghèo tiền bạc nhưng không nghèo nghĩa nghèo tình. Bởi ở đời, còn có những tấm lòng bao dung như người nữ chủ nhà này, không màng tới vật chất, chẳng cần tới bạc tiền.