Xóa bỏ rào cản để tăng tốc

ANTD.VN - Sau đổi mới, kinh tế Việt Nam có bước chuyển mình mạnh mẽ, đáng chú ý là số lượng các doanh nghiệp phát triển hết sức nhanh chóng. 

Mặc dù vậy, ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước đều thẳng thắn chỉ ra hạn chế đó là, trong quá trình hội nhập, môi trường đầu tư của Việt Nam còn nhiều vấn đề chưa thuận lợi cho doanh nghiệp. 

Nhận thức rõ những hạn chế về môi trường kinh doanh và với mong muốn đẩy mạnh việc phục vụ người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc xác định mục tiêu xây dựng Chính phủ mới trong nhiệm kỳ của mình, đó là: “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”. 

Ngay từ đầu năm 2016 khi có buổi trao đổi với các doanh nghiệp, Thủ tướng đưa ra nhiều giải pháp trong xây dựng thể chế đảm bảo môi trường kinh doanh. Cụ thể như đảm bảo ổn định lâu dài về chính sách, cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư, các cơ quan tuyệt đối không được thực hiện theo kiểu “sáng nắng chiều mưa” mà phải nhất quán, đặc biệt không hồi tố về chính sách. Một trong những giải pháp quan trọng nữa là giảm dần tiến tới loại bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí, bỏ hết các quy định cũ không hợp lý…

Những chủ trương trên đang thành hình, rõ nét, thông qua việc các cơ quan của Chỉnh phủ thực hiện bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm “mở đường” cho doanh nghiệp tăng tốc. Mới nhất phải kể tới việc Bộ Công Thương quyết định bãi bỏ 15 thủ tục và đơn giản hóa 108 thủ tục trong tổng số 443 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ - đây được xem là cuộc cải cách chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương nhiều năm nay.

Việc bãi bỏ, đơn giản hóa 123 thủ tục tương đương với 27,8% tổng số thủ tục hành chính hiện có của Bộ này. Trong đó nhiều thủ tục được coi là “hành” doanh nghiệp. Đơn cử như bãi bỏ việc kiểm tra formaldehyte và amin thơm đối với hàng dệt may, một thủ tục mà các chuyên gia đánh giá là “thiếu minh bạch, nguy cơ tùy ý cao”. Và thực tế, doanh nghiệp phải trả hàng trăm tỷ đồng chi phí cho việc kiểm tra formaldehyde, khổ sở vì thời gian thông quan hàng hóa bị kéo dài.

Cùng với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cũng vừa có công văn gửi các Bộ, cơ quan ngang bộ kiến nghị sửa đổi, bổ sung 76 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đây là những quy định làm phát sinh nhiều vấn đề như tăng thời gian thông quan, lưu kho bãi của nhiều hàng hóa không nhất thiết phải kiểm tra chuyên ngành. Những quy định này còn chồng chéo dẫn đến kiểm tra nhiều lần, đi kèm với đó là phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực, tạo cơ chế xin cho...

Có thể nói, thủ tục hành chính đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Thông qua thủ tục hành chính, các cá nhân, tổ chức thực hiện được quyền lợi, nghĩa vụ của mình và cơ quan Nhà nước thực hiện chức năng quản lý. Thế nhưng, nếu thủ tục hành chính rườm rà lại là rào cản của sự phát triển. 

Nhiều ý kiến cho rằng, việc cải cách thủ tục hành chính gặp khó khăn là bởi có những nhân tố không muốn cải cách. Thủ tục hành chính càng gây vướng mắc thì họ càng có cơ hội thu lợi, tham nhũng… Tuy nhiên, với quyết tâm của Đảng, của Chính phủ, chắc chắn những rào cản này sẽ từng bước được xóa bỏ.

Cải cách thủ tục hành chính không chỉ là đơn giản hơn, minh bạch hơn mà còn phải hướng đến một nền hành chính phục vụ, nền hành chính văn minh. Do đó, bên cạnh việc tự rà soát, thì việc lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người dân và cộng đồng doanh nghiệp là điều vô cùng cần thiết.