Xịt sơn, cào xước xe ô tô của người khác vẫn có thể bị xử lý hình sự dù đã hòa giải thành

ANTD.VN -Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến những chiếc xe ô tô đỗ trước  cửa nhà dân, trên ngõ đi chung…bị  xịt sơn, vẽ bậy dùng vật sắc nhọn làm xước xe. Đây là hành vi hủy hoại tài sản cần bị xử lý nghiêm theo quy định. Tuy vậy, trong một số trường hợp, sau khi thỏa thuận, bị hại đã rút đơn khiến cơ quan chức năng lúng túng trong việc xử lý…

Từ xịt sơn đến dùng vật nhọn cào xước xe ô tô

Cách đây ít ngày tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội đã xảy ra vụ việc một cụ ông gần 70 tuổi đã dùng vật nhọn cào xước xe ô tô đỗ ở đầu ngõ. Sau khi phát hiện sự việc trên, chủ chiếc xe đã làm đơn trình báo gửi cơ quan chức năng, yêu cầu làm rõ vụ việc, bảo vệ tài sản của gia đình. Được biết đến thời điểm hiện tại người gây ra vụ việc này đã thừa nhận hành vi của mình và xin được hòa giải, bồi thường hậu quả, khắc phục thiệt hại.

Về hành vi xịt sơn, vẽ bậy, cào xước xe ô tô của người khác, phân tích dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Đào Tơ – Trưởng VPLS Hoàng Huy cho rằng, nếu bên đỗ xe không vi phạm Luật Giao thông đường bộ về hành vi dừng đỗ xe thì đây chỉ được coi là gây sự bất tiện cho người khác, cần có ý thức hơn mỗi khi dừng đỗ để tránh gây phiền hà cho người khác.

Trường hợp chủ xe vi phạm quy định về dừng đỗ thì bị xử lý hành chính theo các khoản 2,3, 4 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, người điều khiển xe có thể bị phạt tiền lên đến 1,2 triệu đồng tùy hành vi vi phạm.

Luật sư Nguyễn Đào Tơ - Trưởng VPLS Hoàng Huy

"Có thể nói, hành vi xịt sơn, vẽ bậy, cào xước xe người khác đã xâm hại quyền sở hữu tài sản hợp pháp được pháp luật bảo vệ. Tùy vào mức độ thiệt hại người thực thực hiện hành vi sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự, hành chính và phải bồi thường dân sự" - Luật sư Nguyễn Đào Tơ nhận định.

Nếu thiệt hại chưa đến 2 triệu đồng và không thuộc các trường hợp tại khoản 1 Điều 178 BLHS 2015, cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về hành vi “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác” với số tiền lên tới 5 triệu đồng.

Nếu thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp tại khoản 1 Điều 178 BLHS 2015 về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản thì cá nhân vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2-dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ…thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Trường hợp phạm tội có tổ chức; Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50-dưới 200 triệu đồng; Tái phạm nguy hiểm…thì bị phạt tù từ 2-7 năm…Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10-20 năm.

Bị hại rút đơn vẫn có thể khởi tố hình sự

Cũng theo Luật sư Nguyễn Đào Tơ, Điều 155 Bộ luật TTHS 2015 về trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại nêu rõ, chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của BLHS khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

 Như vậy, hành vi hủy hoại tài sản không thuộc các trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại. Do đó, mặc dù bên bị hại đã rút đơn thì đối tượng thực hiện hành vi vẫn có thể bị khởi tố hình sự nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.

“Tuy vậy, do tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản có cấu thành vật chất, nghĩa là việc xác định mức độ thiệt hại về tài sản là cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự. Nếu hai bên đã tiến hành hòa giải thành, bên bị hại gây khó khăn, không đồng ý đưa tài sản đi giám định mức độ thiệt hại thì cơ quan tiến hành tố tụng khó có căn cứ để tiếp tục giải quyết vụ việc” – Luật sư Nguyễn Đào Tơ nhấn mạnh.