Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị với gần 50km đi ngầm?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các công trình ngầm chính được khuyến khích đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố giai đoạn đến năm 2045 bao gồm: 8 tuyến đường sắt đô thị có tổng chiều dài khoảng 214,9km, 125 nhà ga, trong đó có 49,5km đi ngầm và 41 ga ngầm.
Thi công hầm và các ga ngầm tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội
Thi công hầm và các ga ngầm tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội

Hà Nội đang lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội về Ban hành Danh mục các công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội (thực hiện khoản 3 Điều 19 Luật Thủ đô 2024).

Theo báo cáo, công trình ngầm của thành phố Hà Nội phản ánh thực trạng phát triển chưa tương xứng với vai trò Thủ đô. Dù đã có những bước đầu trong triển khai hạ tầng kỹ thuật và giao thông ngầm, nhưng quy hoạch thiếu đồng bộ, cơ chế đầu tư chưa hấp dẫn và công tác quản lý còn phân tán là những điểm nghẽn lớn.

Trong khi đó, quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1569/QĐ-TTg ngày 12/12/2024, nêu rõ quan điểm về tổ chức không gian, coi không gian ngầm là 1 trong 5 không gian quan trọng phát triển Thủ đô, bao gồm: không gian công cộng; không gian trên cao; không gian ngầm; không gian văn hóa - sáng tạo; không gian số.

Phát triển hạ tầng đồng bộ, giao thông hiện đại là một trong 5 trụ cột phát triển của Thủ đô, trong đó chú trọng phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị (bao gồm cả đường sắt, nhà ga ngầm và nổi) nhằm gỡ nút thắt cơ bản, kìm hãm sự phát triển của Thủ đô.

Quy hoạch Thủ đô định hướng “giao thông công cộng tại Hà Nội phải phát triển hiện đại, có khối lượng vận chuyển lớn, sử dụng không gian ngầm, không chiếm không gian mặt đất như hệ thống giao thông của các đô thị hiện đại trên thế giới.

Do vậy, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại được xác định là trụ cột phát triển, là khâu then chốt để cải tạo chỉnh trang đô thị hiện hữu và mở rộng không gian phát triển, giải quyết căn bản những vấn đề bức bách của đô thị hiện tại, làm cơ sở nền tảng để phát triển đô thị văn minh, hiện đại”...

Theo dự thảo Nghị quyết, danh mục các loại công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội bao gồm: công trình phục vụ phát triển hệ thống đường sắt đô thị (bao gồm tuyến đường sắt đô thị ngầm và nhà ga ngầm); công trình ngầm kết nối các công trình ngầm khác với nhau (kết nối ga đường sắt đô thị ngầm, công trình công cộng ngầm, bãi đỗ xe ngầm,…);

Công trình phục vụ hệ thống giao thông đô thị giải quyết các vấn đề cấp bách của đô thị (bao gồm: hầm chui đường bộ, đường bộ ngầm, bãi đỗ xe ngầm); công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm; công trình dịch vụ công cộng ngầm có chức năng văn hóa, phát triển du lịch; các công trình ngầm đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách.

Các công trình ngầm chính được khuyến khích đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố giai đoạn đến năm 2045 bao gồm: 8 tuyến đường sắt đô thị có tổng chiều dài khoảng 214,9km, 125 nhà ga, trong đó có 49,5km đi ngầm và 41 ga ngầm.

Cùng với đó còn có 83 công trình phục vụ hệ thống giao thông đô thị, trong đó, có 5 hầm chui đường bộ và 78 bãi đỗ xe ngầm; Danh mục công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, gồm: 127 tuyến phố hạ ngầm hệ thống đường dây, cáp viễn thông, điện lực và các công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung; các công trình ngầm khác được khuyến khích đầu tư xây dựng xác định theo quy định tại Điều 1.