Người cào xước xe ô tô Camry sẽ bị xử lý ra sao?

ANTD.VN -Vài ngày trước, tại khu vực đường Tam Trinh (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội) xảy ra vụ mâu thuẫn giao thông nhỏ. Một người phụ nữ đi ô tô ngược chiều nghi có hành vi cào xước xe Camry của chị N.N (ở phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội) để trả thù. Sự việc đã được camera an ninh ghi lại, khiến dư luận bất bình, bức xúc.

Hành vi không thể chấp nhận được

Sau khi xem đoạn clip trên mạng xã hội, Chị Vũ Hồng Minh ở  đường Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ, trong quá trình tham gia giao thông trên đường, việc xảy ra va chạm, xe này phải nhường đường cho xe khác là điều khó tránh khỏi. Điều quan trọng mỗi cá nhân khi lái xe cần giữ bình bĩnh để xử lý các tình huống. Đối với sự việc xảy ra trên đường Tam Trinh, dù chiếc xe của 2 người phụ nữ đã đi sai chiều, khi bị CSGT yêu cầu nhường đường cho xe khác đi đúng chiều nếu họ còn hậm hực, tìm cách trả thù là điều khó có thể chấp nhận được.

 “Hình ảnh một người phụ nữ ăn mặc sành điệu đi vòng quanh chiếc xe Camry của bà N tới 2 lần với hành vi rất đáng nghi  khiến tôi có cảm giác xấu hổ thay cho chị ta. Hành vi hủy hoại chiếc xe của người khác đã gây thiệt hại không nhỏ về tài sản cho chủ xe, nó thể hiện sự thiếu văn hóa, coi thường pháp luật. Do đó, cơ quan chức năng cần nhanh chóng xác định rõ đối tượng thực hiện và xử lý nghiêm theo quy định hiện hành” – chị Hồng Minh đề xuất.

Chiếc xe có khá nhiều vết xước

Được biết, sau khi xảy ra sự việc, bà N. đã mang chiếc xe ô tô Camry 2.4 bị cào, rạch nhiều vết tới gara xem xét. Với hạng mục sơn toàn bộ vỏ ngoài xe, mức chi phí được báo là 24,2 triệu đồng. Hiện CAP Yên Sở đang phối hợp với các đội nghiệp vụ của CAQ Hoàng Mai tiếp tục xác minh, điều tra, làm rõ sự việc.

Phân tích hành vi trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi này sẽ bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phải bồi thường thiệt hại cho chủ xe. Việc đối tượng thực hiện hành vi vi phạm có bị xử lý hình sự hay không phụ thuộc vào giá trị tài sản bị thiệt hại và người bị thiệt hại phải có đơn yêu cầu.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, hành vi của người phụ nữ cào xước ô tô Camry có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 BLHS 2015 sửa đổi.

Có thể xử lý hình sự?

Điều 178 quy định, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2-dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; Tài sản là di vật, cổ vật thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm. Kết quả định giá tài sản bị hư hỏng sẽ là căn cứ xử lý tương ứng theo định khung hình phạt quy định tại Điều 178.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Thị Thu, về mặt khách quan, hành vi làm cho tài sản của người khác bị hư hỏng đến mức mất hẳn giá trị hoặc giá trị sử dụng hoặc hành vi làm tài sản của người khác bị mất một phần hoặc giảm giá trị, giá trị sử dụng nhưng ở mức độ có thể khôi phục lại được. Hành vi nói trên được thực hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động. Hậu quả là giá trị tài sản bị thiệt hại phải từ 2 triệu đồng trở lên. Nếu thiệt hại mà giá trị dưới 2 triệu đồng thì phải gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ…thì người có hành vi vi phạm mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.

Về khách thể, hành vi phạm tội đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác. Người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý. Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

“Có thể nói xét trên cả phương diện đạo đức lẫn pháp luật, hành vi dùng vật sắc nhọn cào xước xe ô tô của người khác chỉ vì mâu thuẫn nhỏ khi tham gia giao thông đáng bị phê phán và xử lý nghiêm đê làm gương. Bởi trong điều kiện đường chật, người đông như hiện nay, việc xảy ra va chạm trên các tuyến đường là chuyện khá phổ biến. Nếu chỉ vì điều này mà hành hung, hủy hoại tài sản của người khác thì không ít cá nhân sẽ tự đẩy mình vào vòng lao lý” – Luật sư Nguyễn Thị Thu nhận định.