NSND Trung Kiên:

“Xin đừng mời tôi biểu diễn”

ANTĐ - Mặt trái của thị trường âm nhạc Việt Nam với nạn hát nhép tưởng chừng như chẳng thể tác động tới các nghệ sỹ bậc thầy. Ấy vậy mà, với NSND Trung Kiên, ông rút lui khỏi sân khấu biểu diễn một phần cũng bởi khán giả không còn tin ông có thể hát thật trên sân khấu.

NSND Trung Kiên và NSND Thu Hà không thể sống nếu thiếu đi niềm vui của những người “trồng người”

- PV: Ông đã từng “dở khóc dở cười” với nạn hát nhép bao giờ chưa?

- NSND Trung Kiên: Có lần, tôi hát với Dàn nhạc giao hưởng trong một chương trình rất lớn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Thế mà, tôi vừa biểu diễn xong đã có người hỏi học trò của tôi rằng “Thày Kiên hát thật hay hát nhép?” Lúc đó, tôi thấy buồn quá. Làm sao tôi có thể hát nhép với cả trăm người như thế. Khán giả bây giờ không còn tin tôi có thể hát được nữa.

- PV: Nghệ sỹ có đổ lỗi cho nạn “hát nhép” đã đánh mất lòng tin của khán giả ngay cả với “giọng ca đi cùng năm tháng” như ông?

- NSND Trung Kiên: Tôi là một trong những người kịch liệt phản đối nạn hát nhép. Đấy là thảm họa của nền âm nhạc Việt Nam. Thời điểm này, tôi vẫn có thể ca hát và nhận được nhiều lời mời biểu diễn tại các chương trình nghệ thuật. Thế nhưng, tôi chỉ biết nói lời cảm ơn và xin đừng mời tôi nữa. Tôi già rồi, lên sân khấu vô duyên lắm. Mình rút lui để nhường lại sân khấu cho các em trẻ thể hiện tài năng. Nhưng quan trọng hơn, khán giả không còn tin tôi có thể hát. Vì thế, tôi dứt khoát thôi không biểu diễn.

- PV: Thế nhưng, tại chương trình nghệ thuật “55 năm-một chặng đường” của Học viện Âm nhạc diễn ra vào ngày 1-12 tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Hà Nội, khán giả vẫn sẽ gặp lại ông…

- NSND Trung Kiên: Là chỗ “cây nhà lá vườn”, tôi cũng tham gia lĩnh xướng một đoạn chứ không đơn ca. Bây giờ mình có tuổi rồi, xuất hiện một tí thôi rồi còn đi vào, nhường chỗ cho các em. Tất nhiên, chương trình này không thể có chuyện hát nhép. Đến Nhạc viện tổ chức chương trình kỷ niệm 55 năm thành lập mà còn đi “lừa đảo“ thì hết chuyện để nói.

- PV: Cụm từ “Thảm họa âm nhạc” có khiến cho một người trong nghề như ông lo lắng?

- NSND Trung Kiên: Tôi nghe thấy cụm từ này mà thấy mình như động vào nỗi đau nhưng cũng không biết làm thế nào. Nhưng với thiển nghĩ của tôi, cái đó suy cho cùng cũng là khiếm khuyết của người lớn mà cụ thể ở đây là ngành văn hóa. Có thắt chặt các hoạt động biểu diễn với những quy định rõ ràng và phù hợp, hẳn ngành văn hóa cũng sẽ hạn chế được ít nhiều những cái gọi là “thảm họa”.

- PV: Điều này có thể đổ lỗi một phần cho việc giáo dục âm nhạc chưa đến nơi đến chốn không, thưa nghệ sỹ?

- NSND Trung Kiên: Nếu để ý kỹ hơn vào các vụ giật gân liên quan tới giới ca sỹ, ai cũng có thể thấy được các scandal thường rơi vào những người không được đào tạo. Người ta thành công dễ quá bằng việc lăng xê quá mức của báo giới và các ông bầu. Họ không hiểu được người nghệ sĩ cần rèn mình cẩn trọng ra sao để đạt tới thành công. Vì thế, cho dù không chỉ có mình tôi nói điều này nhưng tôi vẫn cứ nhắc lại để các em còn đang ngồi trên ghế nhà trường, các ca sỹ đang nổi thấy được tầm quan trọng của việc học ra sao. Tôi lấy ví dụ như cô ca sỹ Uyên Linh, cho dù cô đã giành được giải tại cuộc thi Vietnam Idol 2010 nhưng khi nhờ con tôi làm đĩa, Quốc Trung vẫn yêu cầu cô ra Hà Nội học xướng âm, ký âm và thanh nhạc.

- PV: Nếu cứ nhìn vào những khiếm khuyết của thị trường âm nhạc Việt Nam, chắc ông cũng khó có thể tìm thấy niềm vui?

- NSND Trung Kiên: Cho dù trong xã hội còn nhiều điều phiền muộn và âm nhạc còn nhiều việc đáng lo, nhưng tôi lại có niềm vui là tình nghĩa thầy trò của chúng tôi còn sâu sắc lắm. Sau khi nghỉ công tác quản lý, tôi đã “lộ nguyên hình” là một người thầy dạy thanh nhạc. Tôi nghỉ hưu đã 6 năm nay nhưng lại ký một hợp đồng lâu dài không biết đến bao giờ mới hết hạn với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Nhiều khi món quà quê thơm thảo của các em là cân lạc, quả đu đủ nhưng lại khiến cho một người thầy như tôi cảm thấy thật ấm lòng. Điều cốt yếu là các em chăm chỉ học hành, tôi đã mừng lắm rồi. Niềm vui ấy tạo nên sức mạnh để mình có thể tiếp tục cống hiến, dìu dắt các thế hệ học sinh nối tiếp nhau.

- PV: Nghệ sỹ Trung Kiên và người thầy Trung Kiên có khác nhau nhiều lắm không, thưa ông?

- NSND Trung Kiên: Trên sân khấu, tôi cháy hết mình với các ca khúc nhưng khi đứng trên bục giảng, tôi là một người thầy nghiêm khắc. Trong lớp trung cấp tôi dạy, có một cậu học trò có giọng hát hay nhưng lại nhuộm tóc xanh tóc đỏ. Tôi mới nói với cậu học trò: “Trong lớp này chỉ có thầy mới có quyền có 2 thứ tóc thậm chí là 3 bởi nhiều khi thày nhuộm xong nó còn đỏ hoen hoen. Còn các em không được phép như thế. Bởi trước khi các em trở thành ca sỹ, em phải trở thành con người tử tế trước đã”. Sau đó, tôi mới kể một câu chuyện trên đất nước Mỹ, có cô sinh viên kiện nhà trường đã kỷ luật cô ta vì ăn mặc hở hang là vi phạm nhân quyền. Nhưng nhà trường đã trả lời cô ta rằng, ở bên ngoài cô muốn ăn mặc thế nào là việc của cô nhưng khi đã là học sinh nhà trường, cô phải tuân thủ nội quy của nhà trường. Cậu học trò này sau đó đã thay đổi để tiếp tục đến lớp với tôi.

- PV: Đã vượt qua độ tuổi “Thất thập cổ lai hy”, nghệ sỹ có đề ra thời hạn nhất định để… nghỉ ngơi?

- NSND Trung Kiên: Tôi với vợ tôi (NSND Thu Hà) nhiều lúc cứ bảo nhau “2 thằng mình như 2 thằng hâm, sao cứ phải khổ mãi như thế, sáng dạy từ 5 rưỡi và làm đến tận 6 rưỡi tối mới về. Đêm lại thức đến 2h sáng. Về hưu rồi mà chẳng được rảnh rỗi như những đôi vợ chồng già khác”. Thế nhưng, công việc dạy học sinh vất vả đến thế nào thì tôi với bà xã tôi vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng. Bởi công việc này mang lại cho chúng tôi niềm vui. Nếu không có vất vả ấy, chúng tôi không sống được.

- Xin cảm ơn nghệ sỹ!