Xét xử vụ Alibaba lừa đảo: Bị hại vắng mặt, phiên tòa có bị hoãn?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng nay, 8-12, TAND TPHCM bắt đầu xét xử sơ thẩm vụ vụ án Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Công ty CP địa ốc Alibaba) và 22 đồng phạm. Nhiều người hỏi, trong vụ án với gần 4000 bị hại này, nếu một trong các bị hại vắng mặt, phiên tòa có diễn ra?

Tại phiên xét xử sơ thẩm, Tòa án cũng triệu tập 200 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; gần 40 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, 4 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị hại…

Trong vụ án này, Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Công ty Alibaba), Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc Công ty Alibaba, em ruột Luyện), Nguyễn Thái Lực (em trai của Luyện và Lĩnh), Võ Thị Thanh Mai (vợ của Luyện) và 18 bị can bị đưa ra xét xử về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Được biết, vụ việc trên có số lượng bị hại “khủng”, lên tới gần 4000 người, do đó việc một số bị hại vắng mặt khi được triệu tập là khả năng dễ xảy ra. Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.

Điều 62 của Bộ luật TTHS 2015 nêu rõ, bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền: Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này; Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

Đề nghị giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật; Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;

Đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường; Tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người khác tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;

Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa; Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án; Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng…

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm tại phiên xét xử sơ thẩm

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm tại phiên xét xử sơ thẩm

Ngoài các quyền trên, bị hại có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải.

Tuy nhiên, theo Điều 292 Bộ luật TTHS 2015, nếu bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.

Trường hợp xét thấy sự vắng mặt của bị hại, đương sự chỉ trở ngại cho việc giải quyết bồi thường thiệt hại thì Hội đồng xét xử có thể tách việc bồi thường để xét xử sau theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo Luật sư Thu, nếu người bị hại đã được triệu tập hợp lệ, không gặp khó khăn, trở ngại đến mức không thế có mặt theo giấy triệu tập được, mà cố tình vắng mặt, thì Toà án có quyền xét xử vắng mặt người bị hại, kể cả việc ra bản án, quyết định không có lợi cho họ.

Song nếu tham gia phiên tòa, họ được phát biểu, trình bày ý kiến để bảo vệ cho quyền và lợi ích của mình, nêu mong muốn HĐXX xét xử người phạm tội với hình phạt nào, cũng như đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại. Do đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, trong vụ Alibaba, các bị hại cần có mặt đúng thời gian, địa điểm theo giấy triệu tập của tòa án - Luật sư Thu đưa ra lời khuyên.