Từ vụ em trai Chủ tịch Alibaba bị bắt: Phạm tội Rửa tiền có thể bị phạt tù tới 15 năm

ANTD.VN -Mới đây, Cơ quan CSĐT - Công an TP.HCM đã tống đạt quyết định Khởi tố bị can, lệnh tạm giam Nguyễn Thái Lực (20 tuổi, em ruột Nguyễn Thái Luyện – Chủ tịch Công ty Alibaba) về tội Rửa tiền. Theo Luật sư Lê Hồng Vân, với tội danh này, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có thể phải ngồi tù tới 15 năm.

Theo kết quả điều tra ban đầu, CQĐT xác định Nguyễn Thái Lực sử dụng tài khoản cá nhân để nhận tiền chuyển nhượng đất từ khách hàng hoặc tiền do Luyện chỉ đạo người của Công ty Alibaba; ký tên trên hợp đồng ủy quyền cho Công ty Alibaba và các công ty thuộc hệ thống; thực hiện việc chuyển nhận tiền nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp do anh trai chiếm đoạt của khách hàng.

Với vai trò giám đốc, đại diện pháp luật của Công ty địa ốc Xanh và Công ty Long Thành Ali, Nguyễn Thái Lực có nhiệm vụ ký tên trên giấy tờ đăng ký thành lập công ty; đại diện ký hợp đồng hợp tác theo từng dự án, để Công ty Alibaba bán các sản phẩm đất nền dưới dạng thổ cư cho khách hàng theo yêu cầu của Nguyễn Thái Luyện. 

Nguyễn Thái Lực tại cơ quan công an

Phân tích hành vi rửa tiền dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân cho biết, Điều 324 BLHS 2015 sửa đổi quy định, người nào thực hiện một trong các hành vi sau thì bị phạt tù từ 1- 5 năm:

Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;

Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;

Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;

Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Tiền, tài sản phạm tội trị giá 500 triệu đồng trở lên; Thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên; Gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia thì bị phạt tù từ 10-15 năm. 

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, có thể hiểu rửa tiền là hành vi chuyển hóa, tẩy rửa nguồn gốc của tài sản có được do các hoạt động bất hợp pháp thành tài sản hợp pháp băng cách thông qua các nghiệp vụ tài chính, ngân hàng hoặc các giao dịch khác hoặc sừ dụng tiền, tài sản đó vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động kinh tế khác - Luật sư Hồng Vân nhận định.

Hành vi này đã xâm phạm vào trật tự xã hội, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra xử lý người phạm tội cũng như việc thu hồi tài sản, tiền do bọn tội phạm chiếm đoạt. Tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý, nhằm mục đích làm sạch đồng tiền, tài sản do phạm tội mà có nhằm che giấu nguồn gốc phi pháp của những tài sản đó. 

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, đối với trường hợp Nguyễn Thái Lực bị khởi tố về tội Rửa tiền, cơ quan điều tra dựa trên dấu hiệu Nguyễn Thái Lực biết Nguyễn Thái Luyện thực hiện hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tiền của người khác.

Các khoản tiền chuyển về cho các công ty Lực đứng tên không xuất phát từ bản chất hoạt động thật của các doanh nghiệp, mà nó có được từ hành vi phạm tội của Luyện, sau đó dòng tiền đã chuyển hóa bằng việc mua tài sản, chuyển tiền đi cho người thân. Tùy vào tính chất, giá trị tiền và tài sản, khoản thu lợi bất chính, đối tượng phạm tội có thể phải đối mặt với khung hình phạt lên đến 15 năm tù.