Xã hội thế nào, nhà trường thế đó

ANTĐ - Anh Nguyễn Bảo Linh (30 tuổi, Giảng Võ, Hà Nội) thắc mắc khi đọc kết quả nghiên cứu của Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam về đề tài nghiên cứu “Giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông”…

- “Mỗi giáo viên phổ thông phải làm tới 10 đầu việc, thời gian lao động 60-70 giờ/tuần, trong khi có đến 50% giáo viên được hưởng lương dưới mức bình quân”, số liệu này rất đáng để chúng ta suy ngẫm.

- Làm việc và hưởng lương như thế làm sao yêu nghề được. Trong khi nhiều người vẫn nghĩ giáo viên là nghề nhàn nhã, dễ kiếm tiền. Thực tế là họ rất vất vả, ngoài giờ lên lớp các thầy cô còn phải soạn giáo án, chấm bài… nếu tính giờ làm việc chắc chắn nhiều hơn mức nhà nước quy định.

- Chất lượng giáo dục hiện nay chưa cao là do nguyên nhân nào?

- Theo tôi thì chất lượng giáo viên là một trong nhiều nguyên nhân, không thể đổ hết lên đầu giáo viên được. Bây giờ người ta tập trung vào việc truyền đạt kiến thức là chính, ít quan tâm đến giáo dục nhân cách con người. Bản thân nhiều bậc phụ huynh chạy theo điểm số. Cơ chế chưa hợp lý, lương không đủ sống, lại phải chịu áp lực lớn từ xã hội, từ phụ huynh học sinh... nên chất lượng giáo viên khó nâng cao được.

- Nhưng vẫn có những giáo viên làm tốt việc dạy chữ và dạy làm người đấy chứ?

- Anh để ý xem, tấm gương người tốt việc tốt thì ít được nêu, báo chí chỉ đua nhau tìm ra chỗ này thầy giáo đánh học sinh, chỗ kia lạm dụng học sinh, thầy giáo gạ tình đổi điểm… Tuy nhiên không thể đánh đồng tất cả giáo viên bởi một vài “con sâu làm rầu nồi canh được”.

- Vậy còn việc “phong bì” trong giáo dục thì sao?

- Nghề không nuôi sống được bản thân, gia đình nên họ phải tìm cách khác, phải dạy thêm, làm thêm, buôn bán, đưa hàng, chạy chợ, nhờ cậy vào sự trợ giúp của gia đình, thậm chí gợi ý và sẵn sàng cầm “phong bì”. Chuyện đó có lỗi của tất cả chúng ta, nên nhớ xã hội thế nào, nhà trường thế đó. Muốn thay đổi tình trạng này, trước hết phải chăm lo đời sống cho giáo viên, và thay đổi cách dạy và học ngay. Thấy nhiều người lấy làm hối hận khi chọn nghề giáo mà nao lòng quá!