Xã hội hóa giáo dục chậm vì thiếu kinh phí

ANTĐ - Hà Nội đã đồng ý cho việc giải phóng mặt bằng theo phương thức xã hội hóa để khuyến khích phát triển giáo dục. Tuy nhiên, có đơn vị đã bỏ ra 15 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng nhưng sau đó rơi vào tình trạng hết vốn xây trường vì chờ hoàn trả kinh phí.

“Kẹt” kinh phí tạo quỹ đất sạch 

Không nhiều trường ngoài công lập ở Hà Nội có cơ sở khang trang vì thiếu quỹ đất

Một trong những chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục của Hà Nội là Quyết định 25/2010/QĐ-UBND. Trong đó quy định ngân sách thành phố đảm bảo kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng (bồi thường, hỗ trợ tái định cư) tạo quỹ đất sạch theo hình thức xã hội hóa. Đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa đã ứng trước để thực hiện công tác này thì thành phố sẽ hoàn trả kinh phí. Tuy nhiên, thực tế lại không như quy định với trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội. Trường này đã chấp nhận đầu tư 15 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng 2ha đất ở huyện Đông Anh phục vụ xây trường. Dù công việc giải phóng mặt bằng đã hoàn thành nhưng việc xây trường lại chưa được triển khai vì khoản kinh phí này đã qua nhiều bước trình lên thành phố nhưng vẫn chưa được hoàn trả. “Trường này đã bỏ tiền ra giải phóng mặt bằng nhưng xin tiền để tiếp tục đầu tư lại quá khó khăn” - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại phản ánh.

Chậm trễ trong thu hút xã hội hóa giáo dục cũng được các địa phương phản ánh khi huyện Gia Lâm, nơi được cho là khá “thoáng” so với các quận nội thành về vấn đề cấp đất cho các dự án xây dựng trường học thì cũng chưa có trường nào được giao đất. “Trên địa bàn huyện Gia Lâm hiện có 4 đơn vị THPT ngoài công lập. Tuy nhiên, đến nay chưa có trường nào được giao đất mà vẫn phải đi thuê cơ sở tạm bợ. Trường Lý Thánh Tông là đơn vị đầu tiên được giao đất nhưng lại bị người dân địa phương phản ứng nên đến nay vẫn chưa triển khai được” - ông Nguyễn Huy Việt, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết.

Chỉ xin 30% kinh phí giải phóng đất sạch

Trước phản ánh của ngành giáo dục, bà Nguyễn Thị Bài, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư Hà Nội cho biết, đúng là trong Quyết định 25/2010/QĐ-UBND của thành phố chưa nêu rõ việc hoàn trả kinh phí giải phóng mặt bằng do nhà đầu tư ứng trước như thế nào, ấn định thời điểm ra sao. Còn việc chưa giao được đất sạch cho các nhà đầu tư, là vì khả năng ngân sách có hạn, do đó thành phố gặp khó khăn trong việc bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng.

Trước vấn đề này, Sở GD-ĐT Hà Nội đã đề xuất thành phố chỉ hỗ trợ 30% kinh phí giải phóng mặt bằng đối với các khu vực có mức giá đền bù cao theo như đề xuất của các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Giải thích thêm về đề xuất này, bà Nguyễn Thị Bài cho rằng, ở những khu vực nội thành phát triển, nhu cầu đầu tư rất lớn, thành phố nên điều chỉnh mức hỗ trợ ngân sách sao cho hợp lý.

Để khuyến khích xã hội hóa giáo dục ở những địa bàn kinh tế khó khăn như một số huyện ngoại thành thì chỉ tạo đất sạch không thôi chưa đủ. Với những trường hợp này, ông Phạm Văn Đại kiến nghị thành phố cần có chính sách đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường ngoài công lập thuê. Tuy vậy, để thực hiện đề xuất này, bà Nguyễn Thị Bài cho rằng ngành giáo dục cần làm rõ quy mô đào tạo, vị trí mở trường... để trình thành phố quyết định. Vấn đề tạo quỹ đầu tư phát triển của thành phố cho các cơ sở thực hiện xã hội hóa tiếp cận cũng được cho là một phương pháp kích cầu. “Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng quỹ kích cầu cho giáo dục với mức vay cao nhất là 150 tỷ đồng và đã triển khai với trường CĐ Lý Tự Trọng. Nhiều trường cũng đã được vay với mức 50 đến 100 tỷ đồng mà chỉ cần lập dự án vay vốn và thẩm định có tính khả thi trong việc hoàn trả vốn vay. Chính sách này rất phù hợp với thực tiễn” - đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội lấy ví dụ.