Việt Nam củng cố vị thế, lan tỏa ảnh hưởng trong ASEAN

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 28-7-1995, lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay tại Brunei trong lễ kết nạp Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). 30 năm sau sự kiện trọng đại đó, Việt Nam đã và đang chứng minh là một thành viên tích cực, chủ động và trách nhiệm, không ngừng đóng góp thiết thực cho sự phát triển mạnh mẽ, tự cường và bền vững của Cộng đồng ASEAN.

Dấu mốc lịch sử - Một cột mốc hội nhập

Việc gia nhập ASEAN không chỉ đánh dấu bước ngoặt lớn trong chính sách đối ngoại của Việt Nam sau đổi mới mà còn mở ra một chương mới trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế. Từ một nước từng bị bao vây cấm vận, ASEAN là một điểm tựa để Việt Nam hội nhập toàn diện vào khu vực và thế giới. Việc tham gia ASEAN khẳng định chính sách đối ngoại rộng mở, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam, đồng thời thể hiện tầm nhìn chiến lược về vị trí, vai trò của Đông Nam Á trong sự phát triển quốc gia.

ASEAN là một trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam

ASEAN là một trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam

Nhìn lại hành trình ba thập niên đồng hành cùng ASEAN, Việt Nam không chỉ tham gia đầy đủ các hoạt động, cơ chế hợp tác của tổ chức mà còn nhiều lần đóng vai trò kiến tạo, điều phối và dẫn dắt, góp phần định hình một ASEAN gắn kết, chủ động thích ứng và đóng vai trò trung tâm trong khu vực.

Ngay từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã xác lập phương châm hành động “tích cực, chủ động và có trách nhiệm”, thể hiện rõ qua hàng loạt đóng góp cụ thể. Một trong những dấu ấn đậm nét nhất là việc Việt Nam thúc đẩy Lào, Myanmar (1997) và Campuchia (1999) gia nhập ASEAN, hoàn tất tiến trình mở rộng tổ chức, hiện thực hóa một “Đông Nam Á thống nhất trong đa dạng”. Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và xây dựng các chiến lược phát triển dài hạn của ASEAN, như Chương trình hành động Hà Nội (1998), Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2020, quyết định hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2003, Hiến chương ASEAN (2007) và mốc hoàn thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Đặc biệt, trong ba nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN (1998, 2010, 2020), Việt Nam đều để lại dấu ấn sâu sắc. Năm 1998, chỉ ba năm sau khi gia nhập, Việt Nam đã chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội - một dấu ấn đối ngoại quan trọng. Năm 2010, Việt Nam góp phần thúc đẩy đưa Nga và Mỹ tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng góp phần quan trọng trong việc xây dựng các văn kiện mang tính định hướng chiến lược, thúc đẩy hợp tác khu vực như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiền đề cho Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đang đàm phán.

Trên lĩnh vực kinh tế - thương mại, hợp tác giữa Việt Nam và ASEAN phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng trưởng ấn tượng, từ mức 6 tỷ USD năm 1996 lên 60 tỷ USD năm 2022. Năm 2023, tổng kim ngạch đạt 73 tỷ USD và đến năm 2024 đã cán mốc 83,9 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 37 tỷ USD, tăng 13,7%; nhập khẩu đạt 46,9 tỷ USD, tăng 14,7% so với năm trước. ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ. Đồng thời, Việt Nam cũng là thị trường lớn thứ tư trong nội khối ASEAN. Những con số này phản ánh rõ vị thế và tầm quan trọng lẫn nhau giữa Việt Nam và ASEAN trong cấu trúc thương mại - đầu tư khu vực.

Việt Nam luôn là lực lượng thúc đẩy hòa bình, ổn định trong khu vực. Với cách tiếp cận nhất quán, xây dựng, Việt Nam đóng vai trò tích cực trong giải quyết các vấn đề nóng của khu vực như Biển Đông, biến đổi khí hậu, an ninh mạng, an ninh lương thực… Trên diễn đàn ASEAN, Việt Nam luôn nhấn mạnh tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), giải quyết hòa bình các tranh chấp, thúc đẩy đối thoại và hợp tác. Tại các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như ARF, EAS, ADMM+, Việt Nam tích cực đóng góp tiếng nói, đề xuất sáng kiến và tham gia các hoạt động chung nhằm nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực.

Trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam

Trong khuôn khổ chuyến thăm Trụ sở ASEAN và Ban Thư ký ASEAN hồi tháng 3-2025, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài phát biểu chính sách đầu tiên với quan chức thuộc Ban Thư ký ASEAN, các đại sứ, trưởng phái đoàn thường trực của các quốc gia thành viên tại ASEAN, Đại sứ của các đối tác đối thoại, các đối tác đối thoại theo lĩnh vực, các đối tác phát triển và các đối tác bên ngoài khác có đại diện tại ASEAN, cũng như các lãnh đạo doanh nghiệp. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng vì Việt Nam luôn đóng vai trò rất tích cực và chủ động, đồng thời cho thấy Việt Nam đặt ASEAN là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định ASEAN là trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam và là một phần không thể tách rời trong chiến lược phát triển và hội nhập của Việt Nam. Với ASEAN là điểm khởi đầu, Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng và đến nay đã có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, trong đó thiết lập quan hệ đối tác toàn diện/chiến lược/chiến lược toàn diện với 35 nước, gồm tất cả các thành viên ASEAN và các đối tác quan trọng của ASEAN.

Trong tương lai, trên nền tảng đã tạo dựng được trong 30 năm tham gia ASEAN, Việt Nam sẽ cùng các nước ASEAN tích cực triển khai cụ thể hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 với mục tiêu xây dựng một ASEAN bền vững, sáng tạo, năng động và lấy người dân làm trung tâm. Trong vai trò hiện nay là Chủ tịch nhóm đặc trách ASEAN về thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, Việt Nam sẽ chủ trì xây dựng và thông qua kế hoạch công tác về thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.

Với việc ASEAN đang tiến gần giai đoạn cuối của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, và khởi động xây dựng Tầm nhìn 2045, vai trò của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam ngày càng quan trọng. Với dân số gần 100 triệu người, nền kinh tế tăng trưởng nhanh, môi trường đầu tư thuận lợi, Việt Nam là một trụ cột vững chắc cho sự phát triển của ASEAN.

Sau 30 năm là thành viên của ASEAN, Việt Nam không chỉ hoàn thành xuất sắc vai trò một thành viên tích cực, trách nhiệm, mà còn trở thành nhân tố có ảnh hưởng trong việc dẫn dắt, định hình và nâng cao vị thế của ASEAN trên trường quốc tế. Vai trò đó không chỉ được minh chứng qua các con số, thành tích, mà còn được khẳng định bởi chính Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn: “Việt Nam là mảnh ghép quan trọng về chính trị, ngoại giao, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội, từ đó giúp cho ASEAN trở nên vững mạnh, tự cường và năng động hơn”.