Vượt qua mặc cảm, vươn lên làm giàu chính đáng

ANTD.VN - Tại huyện Hoài Đức, Hà Nội, hơn 90% người được đặc xá trở về không tái phạm, chăm chỉ làm ăn, góp sức xây dựng phát triển kinh tế gia đình và địa phương.

Cải tạo một người phạm tội đã khó, nhưng để giúp họ không tái phạm, trở thành một công dân có ích sau ngày trở về tái hòa nhập cộng đồng lại càng khó hơn. 

Vượt qua mặc cảm, vươn lên làm giàu chính đáng  ảnh 1Chính quyền huyện Hoài Đức luôn tạo điều kiện tốt nhất cho người đặc xá trở về hòa nhập với cộng đồng

Hỗ trợ việc làm cho người được đặc xá

Từ trước thời điểm triển khai quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá cho hơn 4.200 phạm nhân và gần 200 người đang hoãn chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù trên cả nước, CAH Hoài Đức đã phối hợp cùng các chính quyền sở tại đến từng cơ sở, doanh nghiệp để liên hệ công việc cho những người được đặc xá. Theo các cơ quan chức năng, đây là việc làm cần thiết để người có quá khứ lầm lỗi nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng.

Thiếu tá Nguyễn Văn Tùng, Đội phó Đội Cảnh sát Hỗ trợ tư pháp CAH Hoài Đức cho biết: “Khó khăn nhất đối với người được đặc xá trở về là không có việc làm ổn định. Trong khi đó, các hộ kinh doanh và doanh nghiệp vẫn mang tâm lý ngại nhận người có quá khứ lầm lỗi. Nắm bắt được tâm lý đó, CAH đã tổ chức các buổi nói chuyện ở thôn, xã cũng như vận động nhằm thay đổi định kiến của một số doanh nghiệp để tiếp nhận người đặc xá vào làm việc”.

Bên cạnh đó, CAH cũng chỉ đạo Đội cảnh sát Hỗ trợ tư pháp cử cán bộ có kinh nghiệm thường xuyên đến nhà động viên, nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng của người được đặc xá trở về, ngăn chặn kịp thời các đối tượng xấu có hành vi lôi kéo, dụ dỗ… Những năm qua, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi nhất để người đặc xá phát triển kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp trên địa bàn huyện cũng tiếp nhận, bố trí công an việc làm cho hàng chục người đặc xá, giúp họ ổn định cuộc sống. Nhờ vậy, trên địa bàn huyện tỷ lệ người đặc xá tái phạm rất ít. 

Vượt qua mặc cảm, vươn lên làm giàu chính đáng  ảnh 2Anh Nguyễn Anh Quân chăm sóc những giò lan để kịp tung ra thị trường Tết

Đứng lên sau lỗi lầm

Chị Nguyễn Thị Xuân, ở xã La Phù, huyện Hoài Đức từng phạm tội và đã phải trả giá cho hành vi vi phạm pháp luật của mình. Trở về địa phương, chị nhanh chóng bắt tay vào xây dựng kinh tế. Thành quả của lòng quyết tâm là sau gần 4 năm, chị đã có 2 vườn lan rộng hơn 3ha với gần 4.000 giò lan, cho thu nhập mỗi năm gần tỷ đồng. “Sau khi trở về, tôi mất một thời gian mặc cảm với gia đình, xóm làng nhưng tôi tự nhủ chẳng lẽ cứ chịu cuộc sống nghèo khổ rồi lại dẫn đến phạm tội… Sau đó, tôi vay mượn được ít tiền, lên mạng học hỏi kinh nghiệm trồng lan. Được hơn 1 năm, khi lan bắt đầu cho thu hoạch thì chẳng may gặp hỏa hoạn cháy rụi. Trong lúc cùng cực tưởng không gượng dậy được, tôi được gia đình, xóm làng động viên, thế là lại bắt tay từ đầu. Bằng những nỗ lực, tôi đã được đền đáp xứng đáng. Đó là thành quả về kinh tế, đặc biệt là xóa bỏ được mặc cảm người từng phạm tội để làm lại cuộc đời, tham gia xây dựng, phát triển kinh tế quê hương”. 

Cũng chọn trồng lan làm bước khởi nghiệp ban đầu, anh Nguyễn Anh Quân, thôn La Phù đang tất bật chăm sóc, chuẩn bị cho ra thị trường Tết hơn 1.000 giò lan các loại. Sau khi được đặc xá trở về, nhìn gia cảnh khó khăn, người vợ quanh năm chắt bóp từng đồng nuôi hai con thơ, anh quyết tâm phải phát triển kinh tế gia đình. Từ vốn liếng ít ỏi, anh chị nuôi một đàn gà, chăm vài con lợn, rồi khi có kinh tế hơn thì đi học kinh nghiệm trồng lan…

Có những lúc tưởng gục ngã, anh lại nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương. Thỉnh thoảng, ngôi nhà của anh lại được cán bộ các cấp chính quyền ghé thăm, tiếng cười cũng nhiều hơn xóa tan đi mọi mặc cảm của người đàn ông từng lạc lối. 

Con đường hoàn lương của người đặc xá được trở về nhiều chông gai, thử thách. Bên cạnh ý chí, nghị lực của chính bản thân họ thì sự quan tâm của làng xóm, chính quyền luôn là phương thuốc màu nhiệm nhất, giúp họ vượt qua mặc cảm, từ đó vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng phát triển kinh tế quê hương.