Vui buồn nghề lồng tiếng phim hoạt hình

ANTĐ - Lồng tiếng - nghề không chính thức của nhiều diễn viên được trời phú cho chất giọng vàng, vốn chẳng mấy dễ dàng ngay cả với những người kinh nghiệm dày dạn. Với các diễn viên nhỏ tuổi tham gia góp giọng cho phim hoạt hình, mỗi buổi lồng tiếng được các nghệ sỹ trong nghề gọi vui là một cuộc “đánh vật với cảm xúc”. 

Vui buồn nghề lồng tiếng phim hoạt hình  ảnh 1
“Dưới bóng cây” - bộ phim hoạt hình được nhiều khán giả yêu thích 
nhờ giọng nói ngộ nghĩnh


Không buồn làm sao diễn khóc được?

Để hoàn thiện một bộ phim hoạt hình có thời lượng từ 10-15 phút, cần huy động 5-6 em thiếu nhi tham gia lồng tiếng. Theo NSƯT Hương Dung, người phụ trách nhóm lồng tiếng của Hãng Phim hoạt hình Việt Nam, đây là công việc thú vị nhưng cũng đòi hỏi nhiều nỗ lực của những người phụ trách trong việc hướng dẫn, chỉ bảo cho các em. Từ cách đếm nhịp, lấy hơi để nói cho khớp đến việc biểu đạt cảm xúc nhân vật một cách tự nhiên nhất. Mỗi em lại có cách phát âm khác nhau nên người hướng dẫn phải nắm bắt được đặc điểm đó rồi làm mẫu, uốn nắn, sửa cho các em.

Bên cạnh đó, có những em khả năng diễn xuất rất tốt nhưng cứ hễ vào phòng thu lại trở nên căng thẳng, rụt rè. Khi ấy, các “ông bầu” phải hoạt động hết công suất để tạo bối cảnh, khi thì trêu chọc, nhảy múa để các em bật ra được tiếng cười thoải mái, khi thì phải cố tình tỏ ra nghiêm khắc, thậm chí là giận dữ để lấy được một vài tiếng thút thít. Không ít lần các nghệ sỹ bị làm khó bởi những thắc mắc rất hồn nhiên của các em, chẳng hạn như “Cháu không buồn làm sao cháu khóc được”, “Tại sao nhân vật lại nói như vậy hả cô?”… Cũng có trường hợp thu mãi không đạt, một em đòi bỏ giữa chừng, khi ấy lại phải tìm cách dỗ dành, động viên. Thế mới biết, làm công việc lồng tiếng cùng ekip diễn viên nhỏ tuổi, bên cạnh lòng yêu nghề cần có sự kiên nhẫn, khả năng nắm bắt tâm lý con trẻ. Chính vì vậy mà NSƯT Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Nhà hát múa rối Việt Nam, người đã có 37 năm thực hiện lồng tiếng cho các đoàn làm phim hoạt hình nói đùa: “Mỗi buổi thu chẳng khác nào trông trẻ. Thu xong chúng tôi phải bố trí cho các em nghỉ ngơi, rồi đưa đi ăn uống để tạo không khí không quá căng thẳng”.  

Đãi cát tìm vàng

Cũng theo NSƯT Nguyễn Tiến Dũng, nếu như đối với phim truyền hình, chỉ cần một vài cảnh là bắt được tốc độ nói của diễn viên thì phim hoạt hình có đặc điểm riêng là tốc độ nói không đều, lúc nhanh lúc chậm. Tốc độ trong phim cũng diễn ra rất nhanh nên chỉ một vài giây ngắn ngủi, người lồng tiếng phải truyền tải đầy đủ cảm xúc của nhân vật.

Ngoài ra, nhóm lồng tiếng phải có khả năng phán đoán và khớp hình ảnh vì khẩu hình nhân vật trong phim hoạt hình không hoàn toàn giống nhân vật thật. Thế nên, việc lựa chọn các diễn viên lồng tiếng cho phim hoạt hình, ngoài khả năng “diễn bằng giọng nói”, phải biết biến hóa và thích nghi nhanh chóng với đặc trưng công việc. Các em được tuyển chọn hầu hết đã tham gia sinh hoạt trong những CLB, nhà văn hóa thiếu nhi, hoặc ít nhiều kinh nghiệm tham gia diễn xuất trong các bộ phim điện ảnh, truyền hình.

Tuy nhiên, ngoài các em có kinh nghiệm tham gia lồng tiếng từ nhỏ thì phần lớn các em khi vào nghề đều phải được chỉ bảo từng bước cơ bản và tự ý thức trau dồi khả năng của mình trong một thời gian dài. Chẳng thế mà, có những diễn viên lồng tiếng gắn bó với ekip sản xuất từ khi mới lên 5,6 tuổi cho đến khi… lập gia đình vì không có người đủ khả năng thay thế. Những gương mặt được coi là “hạt giống vàng” của Hãng Phim hoạt hình Việt Nam như Hoàng Kim, Như Ngọc, Thùy An, Minh Nhật… cũng phải “chạy sô” để cho kịp tiến độ sản xuất. Cũng bởi thế, nhiều em bỏ nghề vì áp lực công việc quá lớn, sức lực không thể đảm đương. Việc nhiều diễn viên lớn tuổi vẫn còn được “trưng dụng” để thế chỗ cho các em thiếu nhi cũng không phải là chuyện hiếm. 

Chưa được đào tạo bài bản

Lồng tiếng là một khâu hậu kỳ không thể thiếu trong sản xuất phim hoạt hình, nhưng cho đến giờ vẫn chưa có cơ sở đào tạo chuyên nghiệp riêng biệt. Việc truyền nghề phần lớn dựa vào kinh nghiệm, tâm huyết của những lớp nghệ sỹ đi trước. Bên cạnh đó, sản xuất phim hoạt hình của chúng ta chưa đủ khả năng để thực hiện những kỹ thuật phức tạp, như xử lý hoàn toàn giọng nói người lớn thành trẻ em, nên nhìn chung vẫn phải dùng phương pháp thủ công là sử dụng giọng thật của các em. Nói vậy, chính những người trong nghề tâm sự, tìm được một giọng nói hay không khó, nhưng để tìm được những em có tố chất nổi trội, diễn cho ra được sắc thái biểu cảm của nhân vật thì không dễ dàng. Để đào tạo một diễn viên lồng tiếng thực thụ phải mất nhiều năm và như NSƯT Hương Dung thừa nhận, các em còn làm việc theo “bản năng”, đôi khi không thể đưa ra những tiêu chuẩn như người lớn. “Lồng tiếng cho trẻ em không phải đơn giản. Thế nên tôi mong kỹ thuật sản xuất phim hoạt hình có thể hỗ trợ phần nào chất lượng lời nói, để giảm đi cái gọi là “gượng gạo” thường thấy trong các bộ phim của chúng ta, mà vẫn giữ được điều đáng quý đó là sự hồn nhiên, tinh nghịch của các em”.