Vụ 'siêu lừa' Hà Thành: Ngân hàng đòi thu hồi cả tiền lãi gửi tiết kiệm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 18-3, phiên tòa xét xử "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành và 25 bị cáo liên quan tiếp tục phần tranh luận. Trong đó, đáng chú ý là sự "đối đầu" về quan điểm của các ngân hàng và quan điểm của phía người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan...

Ngân hàng đồng loạt mong muốn không phải trả tiền

Trong vụ án, Nguyễn Thị Hà Thành (SN 1984, trú tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) bị đưa ra xét xử về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với cáo buộc đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 433 tỷ đồng của các ngân hàng VietABank, NCB, PVcombank và nhiều cá nhân.

Liên quan, 25 bị cáo khác, trong đó có tới 17 bị cáo từng là cán bộ, nhân viên của 3 ngân hàng nêu trên cũng bị đưa ra xét xử. Các bị cáo trong vụ án lần lượt bị xem xét về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” và “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng”.

Đại diện Viện KSND Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Đại diện Viện KSND Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Theo cáo trạng, "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành “mượn” sổ tiết kiệm của vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn (người có quyền lợi liên quan) và một số người khác. Sau đó, Thành cấu kết nhân viên ngân hàng, giả chữ ký của người gửi tiền để dùng sổ tiết kiệm của những người này thế chấp vay tiền.

Nhóm nhân viên các ngân hàng do thiếu trách nhiệm, vì những động cơ khác nhau và cho rằng Hà Thành là khách "VIP"… nên dù biết hồ sơ sai vẫn duyệt các khoản vay, dẫn đến tổ chức tín dụng bị chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.

Tại tòa, kiểm sát viên cho rằng các Ngân hàng NCB, VietABank và PVcomBank phải trả lại tiền gửi tiết kiệm cho vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn nhưng tạm thời giữ lại để giải quyết việc vay nợ giữa các bên.

Phía ngân hàng NCB ngược lại, nói vợ chồng ông Toàn cho Hà Thành “mượn” sổ tiết kiệm để nhận lãi ngoài, giúp "siêu lừa" chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Do đó, giao dịch tiền gửi giữa ngân hàng và vợ chồng ông Toàn vô hiệu. Thậm chí, hành vi của vợ chồng ông Toàn có dấu hiệu của tội cho vay nặng lãi.

“NCB có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của khách gửi tiết kiệm chân chính nhưng với những khách gửi không chân chính, ngân hàng có trách nhiệm làm rõ… Ở đây, khách gửi tiền có dấu hiệu ăn vạ các ngân hàng”, phía NCB nói.

Do vậy, Ngân hàng NCB đề nghị tòa án tuyên buộc "siêu lừa" Hà Thành phải trả 50 tỷ đồng theo các sổ tiết kiệm cho vợ chồng ông Toàn. Còn khoản tiền của vợ chồng ông Toàn đang gửi tại NCB sẽ được giữ lại để khắc phục phần bị cáo Hà Thành gây thiệt hại cho ngân hàng này.

"Siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành và các bị cáo liên quan tại phiên tòa.

"Siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành và các bị cáo liên quan tại phiên tòa.

Đến lượt mình, luật sư của Ngân hàng PVcomBank đề nghị Tòa giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo là nhân viên của tổ chức tín dụng này. Về dân sự, phía PVcomBank cũng đề nghị cơ quan tố tụng buộc bị cáo Hà Thành phải có nghĩa vụ trực tiếp trả tiền cho vợ chồng ông Toàn. Đối với các sổ tiết kiệm do ngân hàng đã phát hành, đây là vật chứng trong vụ án và là công cụ phạm tội của Thành nên đề nghị tuyên hủy.

Luật sư của PVcomBank còn cho rằng, việc gửi tiền tiết kiệm là quan hệ giả tạo, do đó tiền lãi vợ chồng ông Toàn được hưởng là không có căn cứ pháp luật, cần phải thu hồi để trả lại cho ngân hàng. Từ đó, phía PVcomBank đề nghị Tòa tuyên thu hồi và buộc vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn phải trả lại số tiền lãi đã nhận (4 tỷ đồng) cho PVcomBank .

Tương tự, quá trình tranh luận, đại diện Ngân hàng VietABank đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho các cựu cán bộ của ngân hàng mình. Luật sư của VietABank cho biết, về dân sự, họ không đồng ý với bản luận tội của Viện kiểm sát (VKS) liên quan tới trách nhiệm của ngân hàng này. Theo luật sư, việc VKS cho rằng VietABank phải trả lại tiền cho ông Toàn và các đồng đồng sở hữu là không có căn cứ.

Nêu quan điểm bảo vệ bị hại tại phiên tòa, luật sư của VietABank khẳng định, ngân hàng không bị thiệt hại bởi các khoản vay của "siêu lừa" Hà Thành có tài sản đảm bảo, chính là các sổ tiết kiệm. “Chúng tôi khẳng định Thành không vay tiền của ngân hàng”, luật sư nói và cho biết chính bị cáo cũng khẳng định không vay tiền của ngân hàng, không vay thì không phải trả. Các “đại gia” cho Thành vay tiền lấy lãi cao, VietABank chỉ là nơi trung chuyển những khoản tiền đó.

Không có sự giúp sức, "siêu lừa" không chiếm đoạt được tiền

Trong khi đó, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn (người có quyền lời liên quan), luật sư bày tỏ sự nhất trí với đề nghị của VKS về việc cần tuyên các ngân hàng nêu trên phải hoàn trả toàn bộ tiền gốc và tiền lãi cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, luật sư cho rằng đề nghị giữ lại số tiền này để giải quyết quan hệ vay mượn giữa các bên là không thỏa đáng.

Theo luật sư, căn cứ hồ sơ vụ án, ông Toàn đã thực hiện các trình tự, thủ tục để gửi tiền tiết kiệm vào các ngân hàng theo đúng quy định pháp luật, các quy định về tiền gửi của ngân hàng và thực hiện giao dịch trực tiếp với ngân hàng theo sự hướng dẫn của cán bộ, nhân viên tổ chức tín dụng. Toàn bộ số tiền vợ chồng ông Toàn gửi vào ngân hàng đều có giấy tờ nộp tiền đầy đủ, có chữ ký của các cán bộ có thẩm quyền và được đóng dấu pháp nhân của ngân hàng.

Việc gửi tiền hợp pháp này được thể hiện qua các sổ tiết kiệm do các ngân hàng cấp cho ông vợ chồng ông Toàn. Theo đó, kể từ thời điểm gửi tiền, toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm của vợ chồng ông Toàn thuộc quyền quản lý, sử dụng theo quy định của ngân hàng.

Luật sư Đường Ngọc Hân trình bày quan điểm bảo vệ cho người có quyền lợi liên quan.

Luật sư Đường Ngọc Hân trình bày quan điểm bảo vệ cho người có quyền lợi liên quan.

Luật sư cũng khẳng định, không hề có quan hệ vay mượn tiền giữa ông Toàn với bị cáo Hà Thành như cáo trạng quy kết. Quá trình điều tra đã làm rõ, giữa ông Toàn và "siêu lừa" Hà Thành không có bất cứ giao dịch dân sự nào thỏa mãn các điều kiện của hợp đồng vay, các bên không ký hợp đồng vay vốn hay giấy vay tiền…. Hơn nữa, tiền được ông Toàn nộp vào ngân hàng chứ Hà Thành không được xác lập quyền quản lý, sử dụng số tiền này.

"Hồ sơ vụ án thể hiện rất rõ không có quan hệ vay mượn tiền với bị cáo Thành, ông Toàn gửi tiền hợp pháp vào ngân hàng theo sự giới thiệu của Thành để được hưởng mức lãi suất ưu đãi và mức tiền thưởng từ Thành. Mặc dù Thành khai là vay tiền, trả lãi cho ông Toàn nhưng không đưa ra được bất cứ tài liệu, chứng cứ nào chứng minh. Việc này cũng không phù hợp quy định pháp luật về giao dịch vay tài sản và không đúng với sự thật khách quan" - luât sư lập luận.

Bảo vệ người có quyền lợi liên quan, luật sư đề nghị Tòa án xem xét xác định quan hệ pháp luật dân sự gửi tiền tiết kiệm giữa vợ chồng ông Toàn và các ngân hàng là hoàn toàn hợp pháp, tuân thủ đúng các quy định pháp luật. "Việc cáo trạng nêu Nguyễn Thị Hà Thành vay tiền của ông Toàn bằng hình thức yêu cầu ông Toàn gửi tiền tiết kiệm là không có căn cứ, không đúng sự thật khách quan và cũng không phù hợp với các quy định pháp luật" - luật sư khẳng định.

Luật sư cho rằng, vợ chồng ông Toàn không ký, không cung cấp bất cứ hồ sơ, tài liệu nào liên quan đến việc cầm cố, thế chấp sổ tiết kiệm cho ngân hàng. Theo luật sư, trong vụ án này, bị cáo Hà Thành có hành vi gian dối và cấu kết với nhân viên, lãnh đạo ngân hàng để được giải ngân tiền, rồi chiếm đoạt. Do đó, các ngân hàng phải tự chịu trách nhiệm về sai phạm trong hoạt động cho vay của mình.

Theo luật sư, thực tế đến nay qua quá trình điều tra, cũng như tại cáo trạng đã khẳng định các bị cáo lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của ngân hàng. Như vậy, việc các ngân hàng vẫn đang phong tỏa, chiếm giữ và sử dụng tiền gửi tiết kiệm, tiền lãi phát sinh của ông Toàn là trái quy định pháp luật.

Bởi nếu chỉ có sổ tiết kiệm thì bị cáo Thành không thể rút được tiền từ các ngân hàng. Việc Thành chiếm đoạt được tiền của các ngân hàng là do có sự giúp sức của một số bị cáo cũng như xuất phát từ hành vi vi phạm của một số cán bộ, nhân viên ngân hàng. Điều này đã được chứng minh qua hồ sơ vụ án cũng như phần xét hỏi công khai tại phiên tòa này.

"Bị cáo Thành đã rất nhiều lần trả lời rằng nếu không có sự giúp sức, tạo điều kiện của cán bộ, nhân viên ngân hàng thì bị cáo này không thể rút được tiền" - luật sư viện dẫn. Chốt lại quan điểm của mình, luật sư của phía người có quyền lợi liên quan đề nghị Tòa án tuyên buộc các Ngân hàng VietABank, NCB và PVcomBank hoàn trả lại cho vợ chồng ông Toàn toàn bộ tiền gốc gửi tiết kiệm và khoản tiền lãi phát sinh theo đúng quy định pháp luật.

Tại tòa, ông Đặng Nghĩa Toàn cho biết, không có chứng cứ thể hiện có việc vay tiền giữa ông này và Hà Thành. “Tôi đưa sổ cho Thành là vì Thành dùng thủ đoạn gian dối nói sẽ trả tôi tiền thưởng”, ông Toàn nói và cho rằng các bị cáo đã cố tình che giấu việc sổ tiết kiệm của vợ chồng ông bị cầm cố.

Ông Đặng Nghĩa Toàn khẳng định mình gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng đúng quy trình, thực hiện giao dịch trực tiếp với ngân hàng theo sự hướng dẫn của cán bộ, nhân viên ngân hàng. Toàn bộ số tiền vợ chồng ông gửi vào ngân hàng đều có giấy tờ nộp tiền đầy đủ chữ ký của các cán bộ có thẩm quyền và được đóng dấu pháp nhân của ngân hàng.

Người có quyền lợi liên quan cho rằng, sau khoảng 4 năm, đến nay vụ án có rất nhiều điểm bất thường. Vì sao lại có chuyện sáng gửi tiền vào ngân hàng, chiều làm hồ sơ để vay tiền ra ngay, trong khi nếu cần thì người gửi tiền sẽ rút toàn bộ tiền của mình ra chứ. Tại sao lại phải vay chỉ để lấy được có 95% số tiền gửi, đồng thời phải chịu lãi suất đi vay cao hơn lãi suất đi gửi.