Vụ 'siêu lừa' Hà Thành: Luật sư cho rằng cựu cán bộ ngân hàng không thể lừa tiền của chính mình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hôm nay (17-3), phiên tòa xét xử "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành và 25 bị cáo liên quan, trong đó có 17 bị cáo từng là cán bộ, nhân viên của 3 ngân hàng tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư bào chữa...

Mong sớm được trở về để chăm con

Trong vụ án này, Nguyễn Thị Hà Thành (SN 1984, trú tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với cáo buộc đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 433 tỷ đồng của 3 ngân hàng và nhiều cá nhân.

Liên quan, 25 bị cáo khác, trong đó có tới 17 bị cáo từng là cán bộ, nhân viên của 3 ngân hàng gồm: VietAbank, NCB và PVcombank cũng bị đưa ra xét xử. Các bị cáo trong vụ án lần lượt bị truy tố về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” và “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng”.

"Siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành và các bị cáo liên quan.

"Siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành và các bị cáo liên quan.

Quá trình luận tội các bị cáo vào sang 16-3, Viện Kiểm sát đề nghị Tòa án Hà Nội tuyên phạt "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành mức án tù chung thân, theo đúng tội danh bị đưa ra xét xử.

Bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương (Trưởng bộ phận khách hàng Phòng giao dịch Đông Đô) và Đặng Thị Quỳnh Hương (Trưởng phòng khách hàng cá nhân Phòng giao dịch Đông Đô) đều thuộc VietAbank cùng mức án từ 16 năm tù-18 năm tù.

Bị cáo Quản Trọng Đức (Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Trưởng phòng giao dịch Đông Đô của VietABank) cũng bị đề nghị xử phạt từ 15 năm tù - 17 năm tù.

Được trình bày quan điểm của mình trước phiên tòa, "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành bày tỏ đồng ý về tội danh bị đưa ra truy tố nhưng xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Thành nói: "Trong thời gian tạm giam 5 năm, bị cáo đã nhận thức sai lầm của mình. Khi phạm tội, bị cáo có một bé gái bị bệnh nên mong được sớm trở về chăm sóc cháu".

Bào chữa cho Nguyễn Thị Thu Hương, luật sư cho rằng thân chủ của vị này đã ăn năn, hối cải và không tranh luận gì về tội danh. Tuy nhiên, luật sư đề nghị toà xem xét tới các tình tiết bị cáo Hương làm việc theo chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp của Quản Trọng Đức. Và bản thân bị cáo cũng không được hưởng lợi gì từ Hà Thành.

Đưa ra các tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo, tích cực phối hợp với cơ quan điều tra, có mẹ là người có công với cách mạng…, luật sư đề nghị toà xem xét cho bị cáo Hương vì mức án mà Viện Kiểm sát đề nghị áp dụng là quá nghiêm khắc.

Với bị cáo Nguyễn Mai Phương (cựu kiểm soát viên Phòng giao dịch Đông Đô - Việt Á Bank), luật sư cũng cho rằng thân chủ vị này có các tình tiết như bị cáo Hương và cũng như đại diện của VietABank đã đề nghị giảm nhẹ hình phạt nên đề nghị toà xem xét. Theo luật sư, bị cáo Phương có vai trò đồng phạm giúp sức, song mờ nhạt... Nhiều bị cáo khác cũng xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho mình.

Đề nghị tiếp tục điều tra bổ sung

Quá trình tranh luận tại phiên tòa, đáng chú nhất là quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo Đặng Thị Quỳnh Hương (Trưởng phòng khách hàng cá nhân Phòng giao dịch Đông Đô - VietAbank) và ý kiến của bị cáo này. Bị cáo Quỳnh Hương đề nghị tòa án trả hồ sơ, điều tra bổ sung tội danh của mình vì theo bị cáo này: "Lừa đảo thì phải bàn bạc nhưng bị cáo không".

Đặng Thị Quỳnh Hương - cựu cán bộ VietAbank.

Đặng Thị Quỳnh Hương - cựu cán bộ VietAbank.

Trong vụ án, Viện Kiểm sát cáo buộc, ngày 26-11-2018, "siêu lừa" Hà Thành câu kết với Thu Hương, Quỳnh Hương rút tiền từ tài khoản của Công ty MHD mở tại VAB và chiếm đoạt gần 25 tỉ đồng của tổ chức tín dụng này.

Bào chữa cho cựu Trưởng phòng khách hàng cá nhân Phòng giao dịch Đông Đô - VietAbank, luật sư đưa ra luận cứ chứng minh thân chủ của vị này có dấu hiệu bị oan. Theo luật sư, khi giới thiệu khách cho Thành vay tiền để chứng minh năng lực tài chính và nhằm được VAB giải ngân, bị cáo Quỳnh Hương không hề hay biết và không thể biết mục đích của "siêu lừa".

Bản thân bị cáo Quỳnh Hương cũng tự góp 2 tỉ đồng để cùng cho vay vì Thành bị thiếu tiền. "Quỳnh Hương không thể tự lừa tiền của chính mình nếu biết Thành vay tiền để nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản" - luật sư lập luận.

Và theo luật sư, việc bị cáo Quỳnh Hương giới thiệu khách cho Thành vay tiền không phải là nguyên nhân dẫn đến hậu quả "siêu lừa" này chiếm đoạt gần 25 tỉ của VietAbank.

Phân tích, viện dẫn các căn cứ, quy định về tín dụng, luật sư của Trưởng phòng khách hàng cá nhân Phòng giao dịch Đông Đô - VietAbank cho rằng bị cáo Đặng Thị Quỳnh Hương đã làm đúng các quy trình, quy định về hoạt động ngân hàng...

Từ đó, các luật sư có quan điểm cho rằng thân chủ mình cũng không phạm vào tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng” như Viện kiểm sát cáo buộc.

Theo những người bào chữa, căn cứ theo quy định nội bộ của VietAbank, bị cáo Quỳnh Hương không hề có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn can thiệp vào nghiệp vụ cho vay cầm cố số dư tiền gửi của quầy giao dịch... "Chốt" lại quan điểm bào chữa của mình, các luật sư của bị cáo Quỳnh Hương đề nghị toà tiếp tục trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc tuyên bố bị cáo không phạm tội như truy tố.

Cũng đưa ra lập luận rằng Quản Trọng Đức không vi phạm các hoạt động về ngân hàng cũng như không có cấu kết với cấp dưới, giúp sức cho "siêu lừa" Hà Thành chiếm đoạt hàng trăm tỉ của VietAbank, luật sư của bị cáo này cũng đề nghị toà xem xét, trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Phiên tòa vẫn đang tiếp tục ở phần tranh luận.