Cán bộ ngân hàng từng coi 'siêu lừa' là khách 'vip'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 13-3, phiên tòa xét xử "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành và hàng chục cựu cán bộ ngân hàng liên quan bước sang ngày làm việc thứ năm. Các bị cáo tiếp tục phải trả lời các câu hỏi được nêu ra trong quá trình thẩm vấn.

Trong vụ án này, Nguyễn Thị Hà Thành (SN 1984, trú tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với cáo buộc đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 433 tỷ đồng của nhiều ngân hàng và cá nhân. Liên quan, 25 bị cáo khác, trong đó có tới 17 bị cáo từng là cán bộ, nhân viên của 3 ngân hàng.

Các bị cáo trong vụ án lần lượt bị truy tố về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” và “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng”.

Theo quy định, ngân hàng chỉ áp dụng hình thức hợp đồng tiền gửi cho khách hàng doanh nghiệp, không áp dụng cho khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, các nhân viên phát hành thêm 2 văn bản là Hợp đồng tiền gửi và Giấy đề nghị phong tỏa.

"Siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành tại phiên tòa.

"Siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành tại phiên tòa.

Cụ thể, cáo trạng thể hiện, để có tiền kinh doanh, "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành đã dùng nhiều thủ đoạn huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân bằng hình thức gửi tiết kiệm đồng sở hữu. Thực hiện ý đồ, Thành tiếp cận Nguyễn Thị Thu Hương (Trưởng bộ phận quan hệ khách hàng doanh nghiệp, Phòng giao dịch Đông Đô - Ngân hàng TMCP Việt Á - VAB) và nói muốn gửi số lượng tiền lớn, rồi cầm cố số tiền gửi ấy để vay vốn.

Tại khâu gửi tiền tiết kiệm, Quản Trọng Đức (Giám đốc chi nhánh Đông Đô - VAB) đồng ý cho Hương soạn thảo, rồi phát hành thêm Hợp đồng tiền gửi và Giấy đề nghị phong tỏa. Do 2 văn bản này được phát hành trái pháp luật nên Đức chỉnh sửa nội dung trên biểu mẫu “Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn” thành nội dung thông tin khách hàng cá nhân…

Khi Thành có yêu cầu gửi tiền, Hương báo với quầy giao dịch và đề nghị giao dịch viên in, ký trước các chứng từ hồ sơ. Các nhân viên nghe theo chỉ đạo trên vì Đức đã phổ biến Thành là “khách hàng VIP, phải hỗ trợ tối đa”.

Việc phát hành 2 văn bản trên để đưa cho các đồng sở hữu. Thành và Hương giải thích với họ rằng “ngân hàng đã phong tỏa hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn nên nếu không có mặt cả 2 người đồng sở hữu thì không thể rút tiền ra”. Thực chất, ngân hàng đã phát hành sổ tiết kiệm cho khoản tiền gửi này.

Đến giai đoạn cấp tín dụng, Thành thế chấp sổ tiết kiệm để vay tiền ngân hàng với số tiền lên tới 95% giá trị sổ tiết kiệm. Thực tế, đồng sở hữu không biết việc thế chấp sổ tiết kiệm. Còn Thành và đồng phạm thực hiện việc giả chữ ký của các đồng sở hữu tiền gửi tiết kiệm.

Tại giai đoạn giải ngân mỗi khoản vay, Ngân hàng Việt Á đã ban hành Chỉ thị số 028 ngày 26/9/2018 về việc tăng cường giám sát tuân thủ giao dịch tiền mặt tại quầy trên toàn hệ thống, trong đó yêu cầu các khoản vay trên 100 triệu đồng phải giải ngân vào tài khoản của người vay.

Do đó, Thành đề nghị Hương lập thêm tài khoản thanh toán đứng tên đồng sở hữu để nhận tiền, song thực chất các đồng sở hữu không biết có tài khoản này.

Về việc tất toán khoản vay, để che giấu hành vi sai trái, Hương và Đức còn giúp Thành tất toán khống khoản vay đến hạn bằng cách lập khống chứng từ thu tiền…

Viện kiểm sát xác định, ngày 28-3-2018, Hương biết Thành có hành vi giả chữ ký các đồng sở hữu nhưng vẫn lập hợp đồng tiền gửi đồng sở hữu, giấy đề nghị phong tỏa tài sản đảm bảo. Mặt khác, các bị cáo che giấu các đồng sở hữu việc ngân hàng phát hành sổ tiết kiệm tiền gửi.

Quá trình xét xử bước đầu cho thấy, Nguyễn Thị Hà Thành đã lừa đảo chiếm đoạt của Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) 47,5 tỷ đồng, của Ngân hàng MTCP Đại chúng (PVComBank) 49,4 tỷ đồng, của Ngân hàng TMCP Việt Á (VAB) gần 274 tỷ và của nhiều cá nhân khác là 63 tỷ đồng.