Vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành: Giám định thương tích có thể thực hiện trên hồ sơ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến vụ cháu bé 8 tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong, sau khi TAND TP. HCM quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nhiều người đặt câu hỏi: Việc giám định vết thương cũ thực hiện thế nào? Làm sao để giám định thương tật khi thi thể đã hỏa thiêu?

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Khoản 2 Điều 10 Thông tư liên tịch số 02/2017 quy định: Sau khi nhận được hồ sơ vụ án và quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án, Viện kiểm sát xử lý như sau:

Nếu quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án có căn cứ mà Viện kiểm sát có thể tự bổ sung được, thì Viện kiểm sát tiến hành điều tra theo quy định; trường hợp không thể tự bổ sung được thì Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và chuyển hồ sơ cho CQĐT tiến hành điều tra;

Nếu quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án không có căn cứ, thì Viện kiểm sát có văn bản nêu rõ lý do giữ nguyên quyết định truy tố và chuyển lại hồ sơ cho Tòa án để đưa vụ án ra xét xử.

Dư luận mong muốn những kẻ thủ ác bạo hành cháu bé 8 tuổi tử vong, phải bị trừng trị nghiêm khắc

Dư luận mong muốn những kẻ thủ ác bạo hành cháu bé 8 tuổi tử vong, phải bị trừng trị nghiêm khắc

Về thủ tục trả hồ sơ điều tra bổ sung của HĐXX tại phiên tòa sơ thẩm, theo Thông tư này, việc trả hồ sơ phải lập thành văn bản, có chữ ký của người có thẩm quyền và ghi rõ nội dung cần điều tra bổ sung, những vi phạm thủ tục tố tụng cần khắc phục.

Đối với cơ quan điều tra, sau khi nhận được hồ sơ phải tiến hành điều tra những nội dung trong quyết định trả hồ sơ. Sau khi kết thúc điều tra phải ra kết luận điều tra bổ sung. Tùy thuộc vào kết luận điều tra, Viện kiểm sát ra thông báo hoặc ban hành Bản cáo trạng mới nếu thay đổi tội danh, bổ sung tội mới và chuyển hồ sơ cho Tòa án tiến hành xét xử vụ án.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, về số lần trả hồ sơ của HĐXX tại phiên tòa sơ thẩm, Khoản 2 Điều 174 Bộ luật TTHS 2015 quy định, Viện kiểm sát chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung 2 lần. Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung 1 lần. Hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung 1 lần.

Còn về nguyên tắc giám định, Khoản 2, Điều 2, Thông tư 22/2019/TT-BYT quy định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần nêu rõ: “Giám định để xác định tỷ lệ % tổn thương cơ thể được thực hiện trên hồ sơ trong trường hợp người cần giám định đã bị chết, hoặc bị mất tích, hoặc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”. Như vậy, trong trường hợp thi thể nạn nhân không còn thì việc giám định sẽ được thực hiện trên hồ sơ.

Bộ luật TTHS 2015 cũng nêu rõ, việc xác định tính chất thương tích, tổn hại sức khỏe bắt buộc phải trưng cầu giám định tỷ lệ thương tích.

Trong vụ án cháu bé 8 tuổi bị bạo hành đến chết, Luật sư Hồng Vân phân tích, toàn bộ hồ sơ bệnh án của cháu A và các Biên bản khám nghiệm pháp y tử thi đã được cơ quan điều tra làm rõ và sau đó cho ra Bản kết luận giám định pháp y về nguyên nhân cái chết và cơ chế hình thành vết thương trên người cháu A.

Trong Bản kết luận giám định pháp y của Phòng kỹ thuật hình sự Công an TP. HCM cũng đã xác định có nhiều vết thương cũ trước 22/12/2021 (khoảng 20-25 ngày trước khi cháu tử vong).

Ngoài ra, nguyên nhân chết của cháu cũng được làm rất rõ, các vết thương trước đó là yếu tố cộng hưởng cộng với tổn thương ngày 22/12/2021 tạo nên nguyên nên cái chết cho cháu A.

Do những thiếu sót không thể khắc phục tại phiên tòa. Căn cứ theo quy định hiện hành, tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX đã trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để thực hiện trưng cầu bổ sung các thương tích trước ngày cháu A tử vong - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.