Từ vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành: Tòa án có thể xét xử tội danh nặng hơn đề nghị truy tố của Viện kiểm sát

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng 21-7, TAND TP. HCM đã xét xử sơ thẩm công khai vụ án bạo hành bé A (8 tuổi; ở quận Bình Thạnh, TP. HCM) tử vong. Liên quan đến vụ việc này, nhiều người đặt câu hỏi, Tòa án có thể xét xử tội danh nặng hơn đề nghị truy tố của Viện kiểm sát đối với bố cháu bé?

Sáng 21-7, TAND - TP. HCM xét xử sơ thẩm công khai vụ án bé A, 8 tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong. Đối tượng Nguyễn Võ Quỳnh Trang (SN 1995; quê Gia Lai) bị truy tố hai tội "Giết người" và "Hành hạ người khác", với mức hình phạt lên tới tử hình. Nguyễn Kim Trung Thái (SN 1985; ngụ quận Bình Thạnh, TP. HCM, bố bé A) bị truy tố về tội "Hành hạ người khác" và "Che giấu tội phạm", tổng hợp khung hình phạt cao nhất là 8 năm tù.

Trước đó, Luật sư bảo vệ quyền lợi cho gia đình bé A đã gửi đơn kiến nghị HĐXX trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung, thay đổi tội danh từ tội Hành hạ người khác sang tội Giết người đối với bố bé A.

Hai bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái tại phiên tòa

Hai bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái tại phiên tòa

Về việc thay đổi tội danh đối với bị cáo khi vụ án đã được đưa ra xét xử, theo Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội, Điều 298 Bộ luật TTHS 2015 quy định, Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật, hoặc về một tội khác bằng, hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.

Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố, thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó. Nội dung này được hướng dẫn bởi Điều 7, Thông tư liên tịch 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP.

Theo đó, trường hợp Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi có căn cứ cho rằng bị can, hoặc bị cáo phạm tội khác nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố thì thực hiện như sau:

Nếu phải thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can về tội danh khác nặng hơn thì Viện kiểm sát trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung để thay đổi tội danh và kết luận điều tra về tội danh khác nặng hơn;

Trường hợp Viện kiểm sát đã yêu cầu mà Cơ quan điều tra không thực hiện thì Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can về tội danh khác nặng hơn và yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện theo quy định tại Điều 156 và Điều 180 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Như vậy, từ quy định trên có thể thấy, Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử đúng với quy định “Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử”.

Bên cạnh đó, Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.

Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết. Nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.