Vỏ đỏ, ruột thì xanh

ANTĐ - Mấy năm gần đây, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các phương tiện truyền thông hầu như không còn mấy hào hứng thông báo, đưa tin những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), “hoành tráng” với số tiền đầu tư hàng chục tỷ USD. Thay vào đó, là những dự án hết sức khiêm tốn, vốn “còi cọc”. Trong cả 6 tháng đầu năm nay, ước tính tổng vốn FDI cả nước chỉ đạt có 6,4 tỷ USD, giảm hơn 27% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI giảm cả về số lượng dự án lẫn vốn đăng ký tới âm 25%. “Quả bóng” FDI phải chăng đang xẹp dần?

Sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới, dòng vốn FDI toàn cầu đã phục hồi bằng mức trước khủng hoảng với 1.500 tỷ USD trong năm 2011, trong khi đó vốn chảy vào nước ta cứ nhỏ giọt dần. Nếu không có vốn FDI từ Nhật Bản đổ vào trong 6 tháng qua với 4,16 tỷ USD, có lẽ “quả bóng” đầu tư nước ngoài khó bơm căng lên nổi. Nhiều tài liệu nghiên cứu cũng như một số chuyên gia đã dự báo và cảnh báo nguy cơ cạnh tranh vốn FDI ở Việt Nam yếu một cách toàn diện.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khoảng 67% doanh nghiệp FDI chỉ “chăm chú” đầu tư vào những ngành có giá trị gia tăng thấp, chủ yếu tập trung vào khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp, tức là đầu tư theo kiểu “bóc ngắn cắn dài”. Đáng lo ngại nhưng cũng đã quá muộn là, chỉ có số ít doanh nghiệp FDI đổ tiền vào những khu vực có giá trị tăng cao, khoảng 3,5% đầu tư vào tài chính, ngân hàng; 5% đầu tư vào khu vực công nghệ cao và 5% dự án vào lĩnh vực dịch vụ và công nghệ.

Báo cáo “Đầu tư công nghiệp Việt Nam năm 2011” của Tổ chức UNIDO (Liên hợp quốc) đưa ra số liệu “bi quan” hơn: Khảo sát các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam, chỉ có 57% nhà đầu tư từ các nước có nền công nghiệp phát triển, khoảng 43% từ các nước đang phát triển. Đặc biệt, đa số các doanh nghiệp FDI chỉ tập trung vào các ngành công nghệ thấp hoặc trung bình. Chỉ có 28% hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao; 22% có hàm lượng công nghệ trung bình. Song có tới 47% doanh nghiệp làm ăn trong những ngành thâm dụng lao động ít kỹ năng, giá nhân công rẻ, “lấy công làm lãi” như dệt may, da giày, đồ gỗ, chế biến…

Hệ lụy và hậu quả tất yếu của tình trạng “trải chiếu hoa” mời gọi, “chèo kéo” đầu tư nước ngoài đã phơi lộ quá rõ. Sức hút vốn FDI trong hơn 20 năm qua chẳng những không tạo được sự lan tỏa cho toàn nền kinh tế, mà Việt Nam còn bị tụt hạng về nhiều chỉ số liên quan đến môi trường, sức cạnh tranh sản phẩm và thị trường. Chưa hết, kỳ vọng quá lớn vào đầu tư nước ngoài tạo động lực, sức lan tỏa cho nền kinh tế, ngày càng mang lại thất vọng. Chẳng hạn, tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam chỉ đạt 28%, rất thấp so với Trung Quốc hiện tới 60%, Thái Lan 53%, Indonesia là 42%. Doanh nghiệp FDI chủ yếu nhập khẩu nguyên vật liệu từ chính quốc để sản xuất tại nước ta, nguồn cung nội địa chỉ khoảng 25%. Điều này chứng tỏ mối liên kết lỏng lẻo giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước cũng như việc chuyển giao công nghệ rất thấp.

Hơn 20 năm “Vun, trồng, chăm sóc” với rất nhiều ưu đãi và ưu ái, cuối cùng “cây” đầu tư nước ngoài chỉ thu hoạch, gặt hái được mùa quả chín đỏ, ngọt lịm thì ít, mà hầu hết là ngoài vỏ đỏ, còn trong ruột thì xanh lét.