Vợ chết vì cố sinh con trai, chồng "gà trống nuôi con"

ANTĐ - Hơn 2 tháng nay người dân thôn Vò Gạo, xã Minh trí (Sóc Sơn, Hà Nội) cứ mỗi khi nhắc đến câu chuyện của gia đình anh Bùi Trung Kiên là ai nấy lại mủi lòng. Người thì thương cho bà mẹ trẻ bạc phận, người thì thương cho cháu bé vừa mới sinh ra đã phải chịu cảnh mồ côi...

Mất mạng vì không thể bỏ con

Trong niềm tiếc thương, anh Bùi Trung Kiên (sinh năm 1985) kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện của gia đình mình. Anh và chị Hồng lấy nhau từ năm 2011. Đến đầu năm 2012, chị Hồng "có tin vui", cả gia đình càng vui vẻ hơn nữa khi bác sĩ thông báo đứa bé trong bụng chị Hồng là con trai.

Nhưng "niềm vui ngắn chẳng tày gang" khi chị Hồng mang thai đến tháng thứ 5, vào một ngày, chị thấy bụng mình đau dữ dội. Anh Kiên vội đưa vợ lên Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn khám thì được bác sĩ thông báo vợ anh bị "nhiễm trùng một phần của một bên buồng trứng, vợ chồng nên bỏ đứa con đi nhằm bảo đảm sức khỏe cho chị nhà".

Anh Kiên đem lời khuyên của bác sĩ đến thuyết phục vợ mình, nhưng lúc đó chị Hồng đã không đồng ý vì nghĩ chồng mình là con cả (dưới anh Kiên còn 2 người em gái đều đã lập gia đình - PV) và cũng là con trai duy nhất trong gia đình nên sinh được đứa con trai đầu lòng phần nào cũng cảm thấy yên tâm cho anh về sau vì có đứa "nối dõi tông đường" và hơn hết đứa trẻ trong bụng mình là "giọt máu" và là kết quả của một tình yêu tình yêu đẹp giữa hai anh chị. Chị Hồng đã nhất quyêt không từ bỏ đứa con mặc dù sau đó, bác sĩ hết lời khuyên can.

Đến tháng 8/2012, khi mang thai đến tháng thứ 7, chị Hồng lại tiếp tục bị đau bụng. Khi lên bệnh viện, các bác sĩ kết luận chị bị viêm buồng trứng và viêm ruột thừa cấp tính.

 

Riêng bệnh viêm buồng trứng đã vào giai đoạn cuối khi nó bị hoại tử lan sang gây viêm ruột thừa nên chỉ có thể cứu được con hoặc mẹ. Không để cho bác sĩ phải nói đến lần thứ 2, chị Hồng đã nói ngay với bác sĩ, bằng giá nào cũng phải cứu được đứa con trong bụng mình. Khi đứa bé trong bụng chị cất tiếng khóc chào đời, chị chỉ kịp ôm con mình vào lòng, cười và tử vong ngay trên bàn mổ.

Xót xa cảnh "gà trống nuôi con"

Chưa kịp vui mừng vì mình được "lên chức" bố, thì anh Kiên đã mất đi người vợ xinh đẹp, ngoan hiền.

Anh Kiên nhớ lại: "Khi bác sĩ bước ra khỏi phòng mổ tôi đã vui mừng mà chạy đến để được nghe "điều hạnh phúc", nhưng thật đau buồn thay khi bác sĩ bảo vợ tôi đã qua đời và chỉ cứu được cháu bé. Tôi như không tin vào mắt mình, chạy vào thì vợ mình đang bế con trên tay nhưng mắt thì không mở ra nữa. Trong phút giây đó, tôi biết cô ấy đã mãi bỏ tôi mà đi. Cái cảnh con trai tôi sinh ra khóc thét lên vì không được bú sữa mẹ, còn người vợ thì nằm lại đó mãi hằn in trong đầu tôi, khiến 2 tháng nay, chưa lúc nào tôi quên được". Cố gắng gạt nỗi đau mất vợ sang một bên, anh phải gượng dậy chăm đứa con trai của mình.

Anh Kiên bảo: "Cảnh gà trống nuôi con đã khổ nay con tôi là con đầu lòng lại sinh thiếu tháng, sức khỏe yếu nên càng khó chăm hơn. Hàng ngày, cháu phải ăn hoàn toàn bằng sữa bột. Mấy ngày đầu do chưa quen sữa, tôi phải bế cháu sang nhà chị cùng làng cũng vừa mới sinh để xin cho cháu bú nhờ, đến bây giờ thì cháu cũng quen hơn, nhưng thi thoảng vẫn không chịu ăn sữa ngoài. Khó nhất là những lúc cháu khóc về đêm, tôi không có cách nào mà dỗ cháu nín được bèn lấy vú của mình cho cháu nó ngậm nhưng cũng chỉ được một lúc, cháu nó không thấy sữa lại khóc".

Hiện tại, anh Kiên đang làm công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long, khi vợ mất, anh được nghỉ 3 tháng theo chế độ, vì thế hàng ngày, anh chỉ quanh quẩn ở nhà chăm sóc cho đứa con mới chào đời của mình. Là người bố, nay anh kiêm luôn cả là "người mẹ nuôi con so", nhiều lúc anh làm các công việc của một bà mẹ mà lúng túng, tay chân ngượng nghịu. Bố mẹ anh thì ở xa, hai em gái đã đi lấy chồng nên không thể thường xuyên đến giúp đỡ anh được. Thấy hoàn cảnh anh khó khăn, những người hàng xóm thường xuyên sang bế con giúp anh rồi chỉ anh làm các công việc của một người mẹ chăm con thơ.

Đang trò chuyện với tôi, cháu bé lại khóc ré lên trong bàn tay của người hàng xóm. Anh phải bỏ dở câu chuyện, xin phép tôi để được ra dỗ cháu. Hình ảnh người thanh niên trẻ bế đứa con của mình trên tay và hát những câu hát ru quen thuộc của các bà mẹ thời xưa khiến tâm trạng tôi nặng trĩu và không thể nào quên.