- Họa sĩ Lê Thiết Cương ra mắt cuốn sách "Trò chuyện với hội họa"
- Họa sĩ Lê Thiết Cương ấn tống cuốn "Kinh Bản nguyện của Bồ Tát Địa Tạng"
Họa sĩ Lê Thiết Cương sinh năm 1962, là con nhà biên kịch, nhà thơ Lê Nguyên và nhà quay phim Đỗ Phương Thảo. Anh theo học tại trường Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội từ năm 1985 đến năm 1990. Anh có hơn 30 năm theo đuổi phong cách hội họa tối giản, thực hành và thể nghiệm qua nhiều nhánh rẽ khác nhau: Đậm nhạt, hòa sắc, hình và nét.
Họa sĩ là một người đa tài, làm việc đa lĩnh vực. Là người thiết kế sân khấu, anh đã thiết kế sân khấu cho show ca nhạc của Tùng Dương, Giang Trang, đêm thơ của Vi Thùy Linh…
Là người thiết kế nội thất, Lê Thiết Cương đặc biệt thích thú và có thành tựu với các thiết kế ghế ngồi. Anh thậm chí còn có một vựng tập dày dặn cho những thiết kế ghế của mình. Họa sĩ cũng làm gốm, với nhiều thông điệp về Phật giáo.
![]() |
Họa sĩ Lê Thiết Cương. |
Là người thiết kế bìa sách, Lê Thiết Cương đã vẽ bìa cho các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến, nhà văn Nguyễn Quang Lập, nhà nghiên cứu Văn Giá, nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang, nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái, nhà văn Nguyễn Việt Hà, nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhà thơ Đoàn Ngọc Thu, nhà văn Bùi Ngọc Tấn, nhà văn Tạ Duy Anh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều…
Những bìa sách của họa sĩ được vẽ đẹp đẽ, trang trọng và dựa trên khả năng đọc tác phẩm văn học đáng nể của anh.
Với hội họa, ông là họa sĩ theo đuổi lối vẽ tối giản từ rất sớm và trung thành với phong cách này trong suốt thời gian hoạt động nghệ thuật. Đặc biệt, tư tưởng Phật giáo có liên hệ mật thiết với trường phái tối giản của anh. Họa sĩ quan niệm: "Tối giản là thiền, là yên tĩnh, là vô ngôn kiệm hình, kiệm màu, kiệm nét là nói bằng im lặng, 'im lặng sấm sét'.
![]() |
Phong cách tối giản thể hiện trong thiết kế bìa sách của họa sĩ Lê Thiết Cương. |
Bài viết cuối cùng, họa sĩ đăng tải trên facebook cá nhân là một tác phẩm điêu khắc của anh, kèm câu thơ trong bài "Hữu Không" (Có - Không) của Thiền sư Từ Đạo Hạnh thời Lý: "Có thì có tự mảy may/ Không thì cả thế gian này cũng không".
Họa sĩ được đánh giá là một trong những họa sĩ hàng đầu, đồng thời cũng là họa sĩ ăn khách hàng đầu của thời kỳ Đổi mới. Lịch trình những triển lãm dày đặc của ông trong giai đoạn này cũng cho thấy điều đó.
Không chỉ là một họa sĩ thành danh, họa sĩ Lê Thiết Cương còn là một giám tuyển kỹ lưỡng, theo sát các hoạt động của mỹ thuật đương đại Việt Nam.
Sự tài hoa của họa sĩ Lê Thiết Cương còn thể hiện ở khả năng viết lách rất nổi trội. Ngôn từ mà họa sĩ viết báo, viết sách cũng giống như nghệ thuật của ông, tối giản, nhưng hàm ý đa ngôn. Họa sĩ là người có cái nhìn sắc sảo, có góc nhìn riêng, các báo viết của ông về mỹ thuật rất cuốn hút, có nhiều nhận xét xác đáng.
![]() |
Tác phẩm điêu khắc của họa sĩ Lê Thiết Cương được lấy cảm hứng từ bài thơ "Hữu Không" (Có - Không) của Thiền sư Từ Đạo Hạnh thời Lý: "Có thì có tự mảy may/ Không thì cả thế gian này cũng không". |
Trong cuốn sách "Trò chuyện với hội họa", họa sĩ tâm sĩ với người đọc: "Viết cũng vậy, khi viết về một tác giả nào, tôi cũng chỉ nói về cái hạt bụi quý mà anh ấy đóng góp cho hội họa chứ không nói vòng ngoài. Kiệm lời nhất có thể. Tôi thích quan niệm của W. Dilthey: "Mục tiêu tối hậu của quá trình giải minh văn bản để hiểu một tác giả sâu sắc hơn là chính họ tự hiểu biết về mình". Tôi chỉ dựa trên chính bức tranh để phân tích và đưa ra nhận định, tuyệt đối không nghe tác giả nói về tác phẩm của mình. Làm nghệ thuật, vẽ, viết là chủ quan. Không có chủ quan thì không có nghệ thuật". Là một người Hà Nội tài hoa, Lê Thiết Cương có chất ngang tàng, lãng tử của một kẻ lãng du trong nghệ thuật.
Họa sĩ Lê Thiết Cương là người giao du rộng. Sinh thời, ông có mối thân tình với nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Với lớp thế hệ họa sĩ đàn em, họa sĩ luôn dành cho họ sự giúp đỡ thân tình. Lê Thiết Cương thành lập nhóm họa sĩ G39 để hàng năm tổ chức các sự kiện giao lưu mỹ thuật, tạo điều kiện cho các họa sĩ công bố tác phẩm.
Trong những ngày tháng chống chọi với bạo bệnh, họa sĩ vẫn tiếp tục sáng tác, ra mắt sách, sức sáng tạo, sức lao động nghệ thuật của ông rất đáng nể. Tháng 9-2024, ông cùng hai người bạn thân của mình là Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt, Nhà văn Nguyễn Việt Hà khai mạc triển lãm "Mặt khác". Toàn bộ số tiền thu được từ triển lãm, ông cùng 2 người bạn của mình đã chuyển vào Quỹ "Bầu ơi thương lấy bí cùng" của An ninh Thủ đô, gây quỹ ủng hộ các nạn nhân của cơn bão Yagi tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Ngay sau đó, ông ra mắt cuốn sách "Trò chuyện với hội họa", tổ chức triển lãm "Gốm Thiệp" ở Hà Nội, Hội An, Huế...
Hơn 1 tuần trước, bệnh tình của ông trở nặng và cũng giống như bao người mang trọng bệnh khác, Lê Thiết Cương đã không vượt qua được cửa tử. Ông đã mãi mãi đi xa nhưng những tác phẩm nghệ thuật, sách đã xuất bản của ông sẽ còn đọng lại phong cách tối giản mà ông trọn đời theo đuổi, với triết lý thiền sâu sắc ông lĩnh hội từ tinh thần của đạo Phật.