Việt Nam trong top đầu phục hồi và tăng trưởng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhờ những cải cách mạnh mẽ cùng linh hoạt thích ứng, kinh tế Việt Nam được xem là một điểm sáng ở khu vực và thế giới khi đạt tốc độ tăng trưởng thuộc hàng top đầu thế giới bất chấp rất nhiều khó khăn và thách thức nghiêm trọng từ những khủng hoảng xung đột cũng như khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Điểm sáng kinh tế Việt Nam

Trong Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2022 cập nhật mới nhất công bố ngày 14-12, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã ghi nhận sự phục hồi và tăng trưởng nhanh của kinh tế Việt Nam khi nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Việt Nam lên 7,5%, tăng khá mạnh so với dự báo 6,5% đưa ra hồi tháng 9 vừa qua. Việt Nam không chỉ đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực mà đáng nói là tốc độ này đạt được khi mà tăng trưởng chung của khu vực và nhiều nền kinh tế giảm trong bối cảnh chịu những tác động tiêu cực từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu và trong khu vực, cuộc xung đột quân sự kéo dài giữa Nga và Ukraine và các đợt phong tỏa tái diễn ở Trung Quốc đang làm chậm quá trình phục hồi của châu Á đang phát triển sau đại dịch Covid-19.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 700 tỷ USD năm 2022 góp phần quan trọng vào phục hồi và tăng trưởng của kinh tế đất nước

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 700 tỷ USD năm 2022 góp phần quan trọng vào phục hồi và tăng trưởng của kinh tế đất nước

Cùng chung nhận định của ADB, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2022 đã được nâng lên mức cao nhất khu vực, đạt 7,2% trong năm 2022, thay vì 5,3% như dự báo mà ngân hàng này đưa hồi tháng 4 năm nay. Trong khi đó, WB dự kiến tốc độ tăng trưởng chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ là 3,2% trong năm nay.

Định chế tài chính lớn khác của thế giới là Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ khoảng 7-7,5%. Điều mà IMF cũng ghi nhận tích cực với Việt Nam là lạm phát trung bình thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4%. Tương tự, ADB cũng điều chỉnh dự báo lạm phát trong năm 2022 của Việt Nam xuống còn 3,5%, mức khá thấp so với tình trạng lạm phát hiện nay ở khu vực và thế giới.

Việc kinh tế Việt Nam “ngược dòng” xu hướng giảm của kinh tế khu vực và thế giới, trở thành một điểm sáng ở châu Á và toàn cầu đã gây ấn tượng với truyền thông quốc tế. Trong bài viết đăng tải trên trang Tengxun ngày 12-12, học giả Triệu Ý Như thuộc Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế Đại học Vân Nam (Trung Quốc) nhận định, Việt Nam đã duy trì được đà phục hồi kinh tế trong năm 2022. Nhìn nhận về nguyên nhân giúp Việt Nam duy trì được đà phục hồi kinh tế trong năm 2022 bất chấp nhiều khó khăn, vị học giả của Đại học Vân Nam cho rằng, Việt Nam đã thích ứng linh hoạt thông qua điều chỉnh chính sách phù hợp, kịp thời nắm bắt cơ hội. Chính phủ Việt Nam đã áp dụng cách tiếp cận đa chiều khi thực thi chính sách “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, phối hợp hiệu quả giữa phát triển kinh tế và phòng, chống dịch bệnh, đưa đến kết quả là nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng nhanh trên các lĩnh vực.

Trong khi đó, theo trang mạng vietnam-briefing, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, môi trường thương mại và mức lương cạnh tranh là 3 yếu tố chính giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định thời gian qua. Theo bài viết trên WSJ, nhờ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tự do hóa thương mại mạnh mẽ, tích cực và mức lương nhân công tương đối rẻ, động lực tăng trưởng sản xuất của Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn.

Trong bài viết trên tờ The Wall Street Journal (Nhật báo Phố Wall, Mỹ), tác giả Megha Mandavia cho rằng giai đoạn “tăng trưởng vàng” (Goldilocks) - khi mọi thứ đều cân bằng đến hoàn hảo và những ngày suôn sẻ thuận lợi hậu đại dịch Covid-19 của Việt Nam - dường như đã qua nhưng những gì mà Việt Nam làm được đáng để nhiều nước trên thế giới học hỏi. Việt Nam đang vượt xa phần còn lại của châu Á khi xét về tăng trưởng kinh tế thần tốc, dự trữ ngoại hối (đồng USD) và chính sách tiền tệ linh hoạt.

“Việt Nam vẫn sẵn sàng tăng trưởng nhanh trong năm 2023”

Đưa ra những lý giải đánh giá về động lực giúp kinh tế Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Á-Thái Bình Dương với mức tăng trưởng 7,2% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023, Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam Andrea Coppola cho rằng có 4 yếu tố chính. Trước hết là động lực xuất khẩu, vốn đã rất mạnh trong quá khứ, đã cho thấy khả năng phục hồi ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng vì đại dịch Covid-19, với xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng chính.

Theo Tổng cục Hải quan, tính tới ngày 15-12-2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đạt mốc 700 tỷ USD, phá vỡ kỷ lục 600 tỷ USD được thiết lập vào năm ngoái. Với kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa ấn tượng ghi nhận trong năm 2022 này, thứ hạng xuất khẩu nhập của Việt Nam có thể được nâng cao trên phạm vi toàn cầu.

Động lực tăng trưởng thứ hai, theo Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam, là nhu cầu trong nước. Tiêu dùng trong nước và doanh số bán lẻ là động lực tăng trưởng chính trong năm 2022. Điều này được thể hiện qua việc doanh số bán lẻ tháng 10-2022 ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 17% so với cùng kỳ năm 2021.

Thứ ba, đầu tư đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế Việt Nam. Trong giai đoạn từ tháng 1 đến 11-2022, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2021. Nhân tố cuối cùng, theo ông Andrea Coppola, là đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam trong năm 2021, đặc biệt là trong quý III của năm, do đó hiệu quả kinh tế mạnh mẽ được ghi nhận trong năm 2022 cũng là kết quả của hiệu ứng xuất phát điểm thấp.

Trước những quan ngại cho rằng nền kinh tế toàn cầu trầm lắng và chìm trong nỗi lo suy thoái, lạm phát, giá cả tăng cao, nhiều biến động thay đổi, tờ Nhật báo Phố Wall cho rằng, Việt Nam vẫn duy trì hàng loạt chỉ số tăng trưởng đáng ngưỡng mộ và có thể sẽ nằm trong số những nước tăng trưởng nhanh nhất châu Á vào năm tới. Một trong 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế hàng đầu thế giới Fitch Ratings đã xếp hạng Việt Nam ở mức BB với “Triển vọng tích cực” để nêu bật đà tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Đà tăng trưởng vượt bậc của Việt Nam còn được thúc đẩy bởi đà phục hồi mạnh mẽ của lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ cùng với hiệu ứng cơ bản tốt.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục là nhân tố thúc đẩy mức tăng trưởng trung và dài hạn mạnh mẽ của Việt Nam. Theo Nhật báo Phố Wall, nhờ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tự do hóa thương mại mạnh mẽ, tích cực và mức lương nhân công tương đối rẻ, động lực tăng trưởng sản xuất của Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn. Một nhân tố quan trọng giúp Việt Nam giảm thiểu khó khăn do tác động từ bên ngoài là gần như không chịu ảnh hưởng bởi giá lương thực tăng cao trên toàn cầu là vì Việt Nam là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu gạo cùng nông sản hàng đầu thế giới. Nói cách khác, Việt Nam là một cường quốc về lương thực, do đó tăng giá toàn cầu đối với mặt hàng lương thực không ảnh hưởng nhiều tới quốc gia gần 100 triệu dân.

Năm 2023 được dự báo là năm khó khăn với kinh toàn cầu, nhưng các tổ chức, định chế tài chính quốc tế vẫn đánh giá kinh tế Việt Nam duy trì đà tích cực và Việt Nam đang sẵn sàng tăng trưởng nhanh trong năm tới.