Kỷ niệm 74 năm ngày nhân quyền thế giới (10-12-1948/10-12-2022)

Việt Nam đóng góp tích cực vào việc bảo đảm quyền con người trên thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từng 2 lần được bầu làm thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam đã có nhiều đóng góp vào hoạt động của Hội đồng, đồng thời góp phần vào việc bảo đảm các giá trị chung về quyền con người trên thế giới.

Thành viên có trách nhiệm của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc

Với chủ trương “Lấy con người là trung tâm của phát triển và được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển”, Việt Nam tích cực, chủ động tham gia vào hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người do Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác ban hành. Tính đến năm 2021, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, Việt Nam cam kết thực hiện và coi đó là trách nhiệm chính trị, pháp lý của Nhà nước.

Phiên họp bầu Việt Nam làm thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025

Phiên họp bầu Việt Nam làm thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025

Năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu 184/192, cao nhất trong số các nước thành viên mới (14 thành viên mới). Tháng 10-2022, với tư cách ứng cử viên duy nhất của ASEAN, đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ, Việt Nam lần thứ hai được bầu làm thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Trong suốt nhiệm kỳ 2014-2016, Việt Nam luôn thể hiện là một thành viên nghiêm túc, có trách nhiệm, chủ động, tích cực và xây dựng; tham gia phát biểu, thảo luận tại hàng trăm cuộc họp, xây dựng và thương lượng các nghị quyết, quyết định của Hội đồng nhân quyền, đóng góp vào việc bảo đảm các giá trị chung về quyền con người. Việt Nam đã tham gia thúc đẩy các sáng kiến thể hiện dấu ấn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như tham gia Nhóm nòng cốt tại Hội đồng nhân quyền về “Biến đổi khí hậu và quyền con người”, trực tiếp là tác giả một số nghị quyết được Hội đồng nhân quyền thông qua bằng đồng thuận về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em…).

Việt Nam cũng tham gia đồng tác giả, đồng bảo trợ hàng chục nghị quyết của Hội đồng nhân quyền trong giai đoạn 2014-2016, tập trung vào các lĩnh vực quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử, xóa bỏ các biện pháp cấm vận đơn phương ảnh hưởng đến thụ hưởng quyền con người, quyền của nông dân, vấn đề dân chủ hóa đời sống quốc tế và tăng cường đoàn kết quốc tế.

Chúng ta còn có nhiều đóng góp, làm cầu nối thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa các nước, các nhóm nước nhằm thúc đẩy cách tiếp cận cân bằng, tiến bộ, hướng tới con người của Hội đồng nhân quyền trên những vấn đề còn khác biệt như về quyền sức khỏe sinh sản, chống bạo hành với phụ nữ, xóa bỏ phân biệt đối xử và bạo lực dựa trên cơ sở bản dạng giới và xu hướng tình dục…

Việt Nam cũng đã thúc đẩy đối thoại trong khuôn khổ Hội đồng nhân quyền giữa các nước liên quan, các tổ chức khu vực và các cơ chế của Liên hợp quốc về quyền con người nhằm giải quyết những quan tâm cụ thể về các vấn đề liên quan đến nhân quyền, nhân đạo; gắn với việc phối hợp với các nước đang phát triển đấu tranh để bảo đảm Hội đồng nhân quyền hoạt động đúng nguyên tắc, thủ tục, không chính trị hóa, không can thiệp vào công việc nội bộ các nước.

Tại các diễn đàn đa phương khác như Ủy ban các vấn đề nhân đạo, xã hội, văn hóa của Đại hội đồng Liên hợp quốc, ASEAN, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy hành động và đóng góp nhiều giải pháp, sáng kiến về quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, các vấn đề an ninh phi truyền thống thuộc quan tâm chung, đặc biệt là ứng phó với đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, thể hiện cam kết mạnh mẽ về bảo đảm quyền con người với tư cách là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Tại tất cả các diễn đàn, Việt Nam luôn chủ trương coi trọng việc đối thoại, hợp tác với các nước, đối tác trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Với cách tiếp cận cân bằng, toàn diện, ủng hộ đối thoại và hợp tác, Việt Nam chú trọng tăng cường thông tin đến cộng đồng quốc tế về những chính sách, nỗ lực và thành tựu trong bảo đảm quyền con người, đồng thời cũng chủ động, linh hoạt tham gia cuộc đấu tranh chung của cộng đồng quốc tế chống xu hướng chính trị hóa, “tiêu chuẩn kép”, can thiệp, thúc đẩy minh bạch tiến tới hiểu biết lẫn nhau, không để khác biệt cản trở hợp tác với các đối tác quan trọng.

Đóng góp nhiều sáng kiến xử lý các vấn đề nhân quyền toàn cầu

Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố: “Là một thành viên tích cực của Liên hợp quốc cũng như cộng đồng quốc tế, Việt Nam khẳng định thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về quyền con người và luôn nỗ lực thúc đẩy phát triển quyền con người cả ở trong nước cũng như trên thế giới”.

Là đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên, đóng góp thực chất vào công việc chung của Hội đồng nhân quyền, thúc đẩy đối thoại và hợp tác quốc tế trên tinh thần tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quyền con người, đáp ứng điều kiện, nhu cầu và lợi ích chính đáng của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển.

Chúng ta sẽ cùng các nước thành viên thúc đẩy các sáng kiến, giải pháp trong các lĩnh vực như quyền được sống trong hòa bình, quyền phát triển, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, quyền tiếp cận y tế, giáo dục, việc làm, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh… Việt Nam cũng nghiêm túc thực hiện Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) - Cơ chế quan trọng nhất của Hội đồng nhân quyền; triển khai hiệu quả Kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III mà Việt Nam chấp thuận, làm cơ sở để Việt Nam xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện để nộp Hội đồng Nhân quyền. Báo cáo này đã được công bố vào quý I-2022, cung cấp thông tin toàn diện và phản ánh chân thực những cam kết, nỗ lực của Việt Nam để tiếp tục ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, nhất là những nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đầy khó khăn.

Những nỗ lực của Việt Nam đóng góp vào việc bảo đảm các giá trị chung về quyền con người trên toàn cầu đã được thế giới ghi nhận và đánh giá tích cực. Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Federico Villegas cho rằng, với Hội đồng nhân quyền, việc có những nước đã thể hiện và sẵn sàng làm cầu nối cho hợp tác và đối thoại như Việt Nam là rất cần thiết, trong bối cảnh tình hình thế giới đang diễn biến rất phức tạp, còn nhiều khác biệt giữa các nước và các nhóm nước.

Việc Việt Nam luôn đề cao phương châm đối thoại và hợp tác, tránh đối đầu, chính trị hóa trong vấn đề quyền con người được thế giới ghi nhận. Các nước phương Tây, các nước đang phát triển đều đánh giá cao vai trò của Việt Nam tại Hội đồng nhân quyền. Trong nhiều cuộc thương lượng mà Việt Nam làm trung gian, ý kiến của Việt Nam được lắng nghe. Một số nước như Mỹ, châu Âu đã cử đoàn sang trao đổi về Hội đồng nhân quyền.

Về những đóng góp của Việt Nam cho cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền, ông Jean-Pierre Archambault, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Pháp - Việt, nêu rõ Việt Nam đã thực hiện tốt việc bảo đảm quyền hòa bình, độc lập dân tộc và quyền sống của con người. Trải qua những giai đoạn chiến tranh, gian khổ trong thế kỷ trước mới giành được những chiến thắng lịch sử nên Việt Nam hiểu rõ giá trị của các quyền nói trên. Trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo trong khuôn khổ Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan, được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Trong bài viết với tiêu đề “Tuyên bố của Việt Nam tại châu Âu về việc gia nhập Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc”, nhật báo Marx21 của Italia đánh giá: “Trong vai trò thành viên Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, Việt Nam đã tham gia đầy đủ, có trách nhiệm vào các hoạt động và chương trình của hội đồng. Cũng tại diễn đàn này, Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định rõ thông điệp về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đóng góp nhiều sáng kiến nhằm giúp xử lý các vấn đề nhân quyền toàn cầu. Việc Việt Nam được các nước ASEAN nhất trí lựa chọn làm ứng cử viên của khu vực Đông Nam Á tham gia Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 thể hiện sự tin cậy và thống nhất cao của ASEAN đối với Việt Nam trên lĩnh vực này.