Dòng vốn nước ngoài “chảy” mạnh vào Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc giải ngân vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) 11 tháng năm 2022 lên mức kỷ lục so với cùng kỳ trong 5 năm qua cho thấy, dòng vốn quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và phát triển này vẫn đang “chảy” vào Việt Nam, quốc gia đang được giới đầu tư quốc tế đặt niềm tin mạnh mẽ như điểm đến an toàn và hấp dẫn hàng đầu hiện nay.

Sức hút với dòng vốn tỷ đô

Số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tính đến ngày 20-11 vừa qua đạt 25,14 tỷ USD. Dù con số vốn này giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, song trái ngược với vốn đăng ký, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2022 lại tăng rất mạnh, ước tính đạt 19,68 tỷ USD, tức tăng tới 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua tại Việt Nam.

Việt Nam có cơ chế ưu đãi để hút vốn FDI vào các dự án đầu tư lớn và công nghệ cao

Việt Nam có cơ chế ưu đãi để hút vốn FDI vào các dự án đầu tư lớn và công nghệ cao

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, nếu không tính hai dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đầu tư trong 11 tháng năm 2021, là Dự án Điện LNG (khí hóa lỏng) Long An I và II với số vốn đầu tư 3,1 tỷ USD và Dự án Nhiệt điện Ô Môn II với số vốn đăng ký 1,3 tỷ USD, tổng vốn đầu tư FDI đăng ký mới 11 tháng năm 2022 tăng 19,3% so với cùng kỳ. Cùng với vốn đăng ký mới, trong 11 tháng qua có 994 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 13,3% so với cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 9,54 tỷ USD (tăng 23,3% so với cùng kỳ).

Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, việc vốn FDI điều chỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng là tín hiệu khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam. Đã có 107 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong 11 tháng năm 2022, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 5,78 tỷ USD, chiếm 23% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Nhật Bản đứng thứ hai với trên hơn 4,6 tỷ USD, chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký trên hơn 4,1 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư.

Tiếp sau năm 2021, dòng vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào nước ta trong năm nay là do Việt Nam đạt được mức tăng trưởng mạnh hàng đầu ở khu vực châu Á với sự phục hồi đặc biệt rõ rệt trong lĩnh vực dịch vụ và lĩnh vực bán lẻ. Cùng với đó là các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, những nỗ lực cải thiện không ngừng môi trường đầu tư kinh doanh và đây được xem là cơ sở quan trọng để các nhà đầu tư, tổ chức quốc tế tin tưởng vào sự tăng trưởng bền vững của Việt Nam trong những năm tới.

Trưởng đoàn giám sát của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Era-Norris trong chuyến thăm nước ta hồi tháng 10 vừa qua nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đã làm được việc đáng ngưỡng mộ trong năm nay dù chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19. Đó là ngay từ nửa đầu năm 2022, đã dần mở cửa trở lại nền kinh tế và ban hành những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đến nửa sau của năm nay, Chính phủ chuyển trọng tâm, tập trung hơn vào việc giảm áp lực lạm phát. Chính sách điều hành tỷ giá hối đoái đã được thực hiện hiệu quả, quản trị được sự giảm giá của VND theo cách giảm lạm phát nhập khẩu và đây là yếu tố rất quan trọng.

Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Mathias Cormann trong chuyến thăm Việt Nam trung tuần tháng 10-2022 cũng đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam, với điểm nhấn quan trọng là sức hút với dòng vốn FDI. Theo ông Mathias Cormann, tỷ lệ này nếu tiếp tục được duy trì bền vững thì đây sẽ là minh chứng rõ nhất cho sức hút cũng như sự hiệu quả của dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Trong khi đó, hãng tin chuyên về kinh tế Bloomberg cho rằng, gói kích thích hàng tỷ USD của Chính phủ và chính sách tiền tệ linh hoạt đã là nền tảng cho sự hồi phục của Việt Nam. Chính chiến lược này đã giúp Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh, trở thành điểm đến hấp dẫn với dòng vốn đầu tư nước ngoài, khi tình hình địa chính trị phức tạp và nhiều nước còn đóng cửa vì đại dịch Covid-19.

Nhà đầu tư nước ngoài đặt niềm tin lớn vào Việt Nam

Trong báo cáo về tình hình thu hút FDI 11 tháng năm 2022, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, một số tập đoàn lớn của Hàn Quốc đang nghiên cứu, tìm hiểu và dự kiến triển khai các dự án đầu tư trong thời gian tới. Một khi các kế hoạch này được triển khai, vốn đầu tư FDI thời gian tới sẽ còn tăng tốc mạnh hơn vào Việt Nam.

Tại buổi tiếp kiến Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc vào ngày 6-12 vừa qua, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Samsung Electronics Han Jong-hee sau khi đánh giá cao nền kinh tế Việt Nam luôn giữ mức tăng trưởng cao đã cho biết, Tập đoàn Samsung đang có kế hoạch nâng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 20 tỉ USD trong thời gian tới. Theo đó, trong một số hội chợ quốc tế lớn sắp tới, Samsung sẽ triển lãm các công nghệ cao hàng đầu và nếu có các đối tác thì các sản phẩm công nghệ cao này sẽ được sản xuất tại Việt Nam. Tập đoàn này cũng hoàn thành một Trung tâm nghiên cứu - phát triển mới tại Việt Nam để tập trung nghiên cứu điện thoại, máy tính, hệ thống mạng lưới, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn…

Tương tự, đáp lại đề nghị nâng gấp đôi số vốn đầu tư tại Việt Nam mà hiện đã lên đến 3,5 tỉ USD trong nhiều lĩnh vực như may mặc, cơ sở công nghiệp, hóa học và tạo việc làm cho 10.000 lao động, Chủ tịch Tập đoàn Hyosung Cho Hyun Joon cho biết, tập đoàn nâng tổng mức đầu tư mới tại Việt Nam tới đây lên con số 5 tỷ USD thay vì 2 tỷ USD như dự kiến ban đầu. Ông Cho Hyun Joon khẳng định, tập đoàn luôn mong muốn tìm hướng kinh doanh, đầu tư mới tại Việt Nam để Hyosung và Việt Nam cùng “nở ra những bông hoa thành công trong những năm tới”.

Nhìn nhận tích cực về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam, tờ The Diplomat đánh giá, kinh tế Việt Nam có tương lai sáng và ngày càng sáng hơn. Việt Nam đón nhận nguồn vốn bổ sung, mở rộng quy mô của những doanh nghiệp vốn FDI lớn đang hoạt động. Trong một cuộc khảo sát của Công ty nghiên cứu Cushman&Wakefield, hơn 200 đại diện cấp cao từ các công ty đầu tư hàng đầu đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên nhất và đứng thứ hai trong nhóm các thị trường mới nổi. Tờ Financial Times đánh giá, Việt Nam đang trở thành điểm sáng trong thu hút sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư FDI và lần đầu tiên Việt Nam lọt vào Top 20 nền kinh tế về thu hút FDI trên thế giới. Với nhiều lợi thế, các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào mắt xích Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tới thăm và làm việc với Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) ngày 10-12 nhân chuyến công du châu Âu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định quyết tâm và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam nhằm duy trì tăng trưởng nhanh và bền vững. Theo đó, Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm xây dựng thể chế, đào tạo nguồn nhân lực và hạ tầng chiến lược. Do đó, người đứng đầu Chính phủ nước ta nêu rõ, Việt Nam cần nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính, để thực hiện các đột phá chiến lược này.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; dựa vào nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Trong nguồn lực từ bên ngoài có nguồn lực từ vốn, phù hợp với chủ trương, xu thế như phát triển xanh, chống biến đổi khí hậu, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.