Vaccine sốt xuất huyết đầu tiên vừa được WHO phê chuẩn:

Việt Nam sẽ cân nhắc sử dụng

ANTĐ - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa lần đầu tiên đưa ra đề xuất sử dụng một loại vaccine phòng sốt xuất huyết (SXH) - vaccine Dengvaxia do Công ty dược Sanofi Pasteurs của Pháp nghiên cứu. Trên thực tế, vaccine Dengvaxia đã từng được thử nghiệm tại Việt Nam cách đây vài năm và tới đây Việt Nam có thể sẽ cân nhắc mạnh mẽ hơn đối với việc sử dụng vaccine này, nhất là trong bối cảnh dịch SXH đang diễn biến phức tạp.

Việt Nam sẽ cân nhắc sử dụng ảnh 1

Bình quân mỗi năm ở nước ta ghi nhận hàng trăm nghìn bệnh nhân mắc sốt xuất huyết

Từng thử nghiệm trên người

Việc phê chuẩn của WHO với vaccine Dengvaxia ngày 15-4 được nhận định sẽ thúc đẩy các quốc gia đang phát triển khác quan tâm hơn tới loại vaccine này, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hóa khiến số bệnh nhân SXH liên tục gia tăng (ước tính 390 triệu người trên toàn cầu mắc SXH mỗi năm).

Được biết, vaccine Dengvaxia là kết quả sau 2 thập kỷ nghiên cứu của Công ty dược Sanofi Pasteurs. Các kết quả thử nghiệm lâm sàng trên 40.000 trẻ em cho thấy, vaccine Dengvaxia có hiệu quả tới 93% trong việc ngăn chặn các ca tử vong do SXH và giảm 80% thời gian điều trị bệnh SXH. Tới nay, có 4 quốc gia trên thế giới cho phép sử dụng vaccine này gồm Mexico, Brazil, El Salvador và Philippines.

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ ngày 17-4, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, trên thực tế, vaccine phòng SXH Dengvaxia đã từng được Viện Parteur TP.HCM thử nghiệm trên người tại thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) và Long Xuyên (An Giang) cách đây vài năm.

Việt Nam cùng một số quốc gia khác được chọn thử nghiệm vaccine này ở giai đoạn 3, khâu thử nghiệm cuối cùng trước khi cấp phép. Đối tượng tham gia nghiên cứu được tiêm 3 mũi vaccine, mỗi mũi cách nhau 6 tháng. Kết quả thử nghiệm cho thấy hiệu quả, hiệu lực của vaccine Dengvaxia khá tốt, không gây bất kỳ biến cố nghiêm trọng nào. 

Kết quả thử nghiệm cụ thể được Bộ Y tế công bố cho thấy, sau hơn 5 năm thí điểm tại Việt Nam với 2.336 trẻ từ 2 - 14 tuổi, hiệu quả vaccine phòng SXH Dengvaxia ở nhóm trẻ từ 9 tuổi trở lên đạt 66%, ngừa được 81% ca SXH nhập viện và 93% ca nặng. Đối với nhóm trẻ dưới 9 tuổi, hiệu quả phòng SXH đạt 44%, ngừa được 56% ca SXH nhập viện và 67% ca nặng. Cũng theo Bộ Y tế, với việc đồng ý tham gia thử nghiệm giai đoạn 3 như trên, sau khi vaccine nghiên cứu thành công, Việt Nam được nhà sản xuất cam kết cung cấp vaccine với giá ưu đãi.

Cân nhắc cấp phép lưu hành vaccine?

GS.TS Đặng Đức Anh cho biết, SXH là bệnh lưu hành phổ biến tại Việt Nam và vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Một trong những nguyên nhân khiến việc phòng chống, ngăn chặn SXH gặp khó khăn là do bệnh chưa có vaccine. Vaccine    Dengvaxia phòng SXH đầu tiên trên thế giới được WHO phê chuẩn là một tín hiệu đáng mừng trong công tác y tế dự phòng, không chỉ đối với Việt Nam mà toàn thế giới. Trước đó, một số quốc gia đã cho phép sử dụng vaccine này nhưng chỉ sau khi được WHO phê chuẩn thì vaccine mới chính thức được công nhận tính hiệu quả, độ an toàn để có thể được cấp phép sử dụng rộng rãi.

 Theo ông Đặng Đức Anh, việc Việt Nam có tính đến sử dụng vaccine này hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là khả năng cung ứng vaccine của nhà sản xuất. “Quan điểm của tôi là nếu nhà sản xuất vaccine có khả năng cung cấp cho Việt Nam thì nên ủng hộ việc cho phép sử dụng. Tuy vậy, cũng giống như tất cả các loại vaccine khác, muốn được nhập vào, sử dụng tại Việt Nam thì vaccine phải trải qua các khâu đoạn xin cấp phép lưu hành, thử nghiệm chặt chẽ, đảm bảo an toàn. Do đó, nếu vaccine này có được sử dụng tại Việt Nam thì cũng phải cần một thời gian dài nữa chứ không phải cứ được WHO phê chuẩn là chúng ta sẽ nhập về sử dụng luôn” - GS.TS Đặng Đức Anh cho biết.

Năm 2015, cả nước ghi nhận hơn 88.000 trường hợp mắc SXH với khoảng 30 ca tử vong. Hiện tại, dịch SXH vẫn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt tại khu vực miền Trung và miền Nam có số bệnh nhân tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể bùng phát thành dịch lớn do virus dengue gây ra. Hiện nay, do chưa có vaccine phòng bệnh nên biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất là kêu gọi toàn dân chủ động diệt loăng quăng, bọ gậy, muỗi vằn - trung gian truyền bệnh SXH.