Việt Nam không dùng formaldehyde để phun lên rau

ANTĐ - Thông tin cải thảo Trung Quốc dùng chất formaldehyde để phun giúp rau tươi lâu đã và đang khiến người tiêu dùng cả nước hoang mang.
Việt Nam không dùng formaldehyde để phun lên rau ảnh 1
Ảnh: The Epoch Times


Nhiều người vẫn chưa biết thông tin

Hàng năm, Việt Nam tiêu thụ một lượng không nhỏ cải thảo có nguồn gốc từ Trung Quốc, đặc biệt về mùa đông, nó là món rau ưa thích trong bất kỳ bữa lẩu nào. Hàng đêm, xe tải nườm nượp chở các mặt hàng rau củ như cải bắp, cải thảo, cà chua, khoai tây từ Lạng Sơn, Lào Cai đổ về chợ đầu mối Long Biên, Dịch Vọng Hậu. Rồi từ đây, lại chia lẻ để đi các tỉnh như Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định… Tuy nhiên, kể từ khi cơ quan có trách nhiệm của Trung Quốc phát hiện những người bán rau ở tỉnh Sơn Đông - một trong những vựa rau xanh của Trung Quốc phun chất formaldehyde để giúp rau tươi lâu hơn đã khiến người tiêu dùng bàng hoàng. 

Theo khảo sát của PV tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội như: Hà Đông, Ngã Tư Sở, Dịch Vọng, Láng Hạ... cải thảo vẫn được bày bán ở các chợ. Và đến nay, không ít người tiêu dùng cũng như người bán hàng chưa nắm được thông tin về loại rau cải nhiễm loại chất độc này. Chị Thu, một người buôn bán rau ở chợ Dịch Vọng Hậu cho biết, chị lấy rau cải thảo từ các thương lái ở các chợ đầu mối và không rõ nguồn gốc từ đâu, người thì bảo từ Trung Quốc, người thì nói từ Đà Lạt, hay mấy tỉnh miền núi phía Bắc. Còn chị Lụa, trú tại Đồng Xa, Cầu Giấy khá ngạc nhiên khi được cung cấp thông tin về cải thảo Trung Quốc dùng formaldehyde để giữ tươi lâu. “Tôi cũng nghe nhiều về rau quả dùng chất bảo quản để giữ tươi lâu, đẹp mã, nhưng chưa bao giờ nghe được thông tin họ dùng chất formaldehyde để giữ tươi rau. Nay tôi vẫn mua cải thảo để về xào nấu”, chị Lụa nói. 

Việt Nam nhập khẩu ít loại rau này?

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTP cho biết, sau khi nắm được thông tin trên, Cục này đã chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lấy mẫu rau cải thảo để kiểm tra. Theo đó, sang đầu tuần tới, sẽ có kết quả đối với các mẫu cải thảo lấy ở 2 TP. Ngoài ra, Cục BVTV cũng đã chỉ đạo các Chi cục BVTV tỉnh Lâm Đồng, Lào Cai, những nơi đang trồng nhiều loại rau này kiểm tra. Kết quả cho thấy, ở trong nước không phát hiện việc sử dụng loại hóa chất độc hại này để phun lên rau. Rau cải thảo hiện được trồng nhiều nhất ở Đà Lạt với diện tích khoảng 1.500ha, một số tỉnh có khí hậu mát mẻ cũng trồng loại rau này, tuy nhiên, lượng trồng nhiều hơn về mùa đông, vì đây là giống rau ưa lạnh.

Cũng ông Hồng cho hay, hiện tại không phải thời điểm chính vụ, giá thành lại cao nên lượng rau cải thảo Trung Quốc về Việt Nam rất ít. Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập khẩu rất ít loại rau này, trung bình chỉ vài trăm tấn/năm, kể cả chính ngạch và tiểu ngạch qua cửa khẩu Lào Cai  và Lạng Sơn.

Song, con số này của Cục trưởng Cục BVTV không thuyết phục được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này. “Nếu Việt Nam chỉ nhập vài trăm tấn một năm thì quá ít, lượng rau này chỉ đủ cho Hà Nội tiêu thụ trong vài tháng. Hơn nữa, khó có thể kiểm soát được số lượng nhập vào, bởi từ lâu, rau quả thông thương giữa Việt Nam và Trung Quốc đã rất thoáng về cơ chế. Rau quả thuộc nhóm xanh, không cần phải kiểm tra về mặt giấy tờ”, một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cho biết.

Cũng chuyên gia này phân tích, nhận định rau cải thảo trên thị trường Việt Nam chiếm tỷ lệ rất ít là rau Trung Quốc mà phần lớn rau từ Đà Lạt chuyển ra là không hợp lý. Một khu vực Đà Lạt không thể cung cấp đủ cho cả nước tiêu thụ, hơn nữa, rau từ Đà Lạt vận chuyển đến Hà Nội, rất ít loại có mặt ở các chợ  dân sinh để bán cho người tiêu dùng, phần lớn là đến các nhà hàng.

Hôm qua 10-5, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản khẩn trương kiểm tra hàm lượng formaldehyde trên rau quả và nhanh chóng công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần định hướng dư luận và ổn định thị trường. Kết quả kiểm tra phải được báo cáo trước ngày 20-5.