Việt Nam có thêm 2 di sản tư liệu thế giới

ANTĐ - Chiều 19-5, tại Hội nghị lần thứ 7 của MOWCAP (Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thuộc UNESCO) được tổ chức tại Huế đã công bố thêm 2 di sản của Việt Nam là Di sản Tư liệu thế giới. Đó là “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế" và "Mộc bản trường học Phúc Giang" (Hà Tĩnh).

Theo chương trình, từ ngày 17 đến 21-5, 2 hồ sơ của Việt Nam là “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế" và "Mộc bản trường học Phúc Giang" (Hà Tĩnh) được trình trước Hội nghị lần thứ 7 của MOWCAP (Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thuộc UNESCO) để xem xét công nhận là Di sản Tư liệu thế giới. Chiều ngày 19-5, Hội nghị đã chính thức thông qua 16 hồ sơ của 10 nước, trong đó cả 2 di sản của Việt Nam “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế" và "Mộc bản trường học Phúc Giang" (Hà Tĩnh) đều được đánh giá cao và công nhận là Di ản Tư liệu thế giới.

Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là toàn bộ hệ thống văn tự chữ Hán sáng tác dưới dạng các bài văn thơ được chạm cẩn chủ yếu trên các liên ba, đố bản hoặc vách ván ở các di tích kiến trúc Huế được xây dựng trong giai đoạn triều Nguyễn (1802-1945). 

Giá trị nổi bật của hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế

Di tích cố đô Huế hiện đang lưu giữ hàng ngàn đơn vị văn thơ chữ Hán, chuyển tải những thông điệp lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của một giai đoạn trong lịch sử Việt Nam.

Hiện các công trình kiến trúc Huế còn lưu giữ khá nhiều văn tự chữ Hán

Mộc bản trường học Phúc Giang (hay còn biết đến là Mộc bản Trường Lưu) là các tư liệu được khắc trên bản gỗ thị khá tinh xảo, thư pháp đẹp cùng ấn triện gia huy, dấu bản quyền chứa nhiều thông tin về văn hóa, giáo dục, kinh tế xã hội, sự giao lưu giữa các dòng họ. Những mộc bản này được lưu giữ tại Phúc Giang thư viện, thư viện nổi tiếng khắp cả nước của dòng họ Nguyễn Huy, từ năm 1758 – 1788.

Mộc bản trường học Phúc Giang

Như vậy, với việc công nhận này, Việt Nam có tổng cộng 6 di sản Tư liệu thế giới gồm Mộc bản Triều Nguyễn, Bia tiến sỹ Văn Miếu Thăng Long, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) và Châu bản Triều Nguyễn.