Viện phí tăng, chất lượng có tăng?

ANTĐ - Bộ Y tế đã hoàn thiện toàn bộ dự thảo tăng giá viện phí với danh mục hơn 400 dịch vụ y tế sẽ tăng giá cùng với những nghị định có liên quan trình Chính phủ. Đây là lần đầu tiên, một bản dự thảo điều chỉnh viện phí ra đời nhận được sự đồng thuận của nhiều bộ, ngành có liên quan là Bộ Y tế - Tài chính - Lao động thương binh xã hội và BHXH Việt Nam.

Dự thảo lần này có nhiều điểm mới, những điểm mới căn bản được đưa ra dựa trên 3 phân nhóm cụ thể. Nhóm tiền công khám, nhóm giường bệnh, nhóm dịch vụ kỹ thuật. Các nhóm này đều đã được “chẻ nhỏ” nhằm tính sát, tính đủ tiền viện phí, hạn chế “phụ phí” mà bệnh nhân có thể phải nộp thêm cho các bệnh viện.

Nếu dự thảo cũ chỉ nghĩ đến chuyện tăng thì dự thảo mới này có nhiều dịch vụ giảm đi. Khung giá được đồng thuận lần này, khá nhiều giá dịch vụ y tế đã điều chỉnh giảm 20-30% thậm chí 50% so với giá đề xuất ban đầu. Với dự thảo mới này, mức tăng viện phí giảm so với những lần đề xuất trước, người dân bớt lo đi một chút, bởi ở một số dịch vụ, giá sẽ “mềm” hơn nhưng chưa phải “gánh nặng” đã hết vì tăng viện phí không đồng nghĩa với việc cải thiện tình trạng khám chữa bệnh hiện nay.

Ngay vị Bộ trưởng đứng đầu ngành y cũng thừa nhận chất lượng khám chữa bệnh là “cần có thời gian”, còn y đức cũng khó thay đổi bởi còn tùy từng môi trường bệnh viện. Thực tế, người bệnh vẫn kêu, dân vẫn kiện, đâu đó vẫn xảy ra những cuộc xung đột gay gắt.

Điều làm nhiều người băn khoăn hơn là sự minh bạch trong viện phí, đây là đòi hỏi chính đáng của người bệnh. Có nhiều ý kiến lo ngại, vấn đề không phải nằm ở việc viện phí thấp hay cao, mà tăng viện phí liệu có nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh cho người dân không, hay chỉ là một hoạt động nhằm hợp thức hóa việc lạm thu, và “xé rào” lâu nay của các bệnh viện. Bởi thực tế, khi tăng viện phí, Bộ Y tế chưa tính đến vấn đề “lãng phí y tế” như là việc lạm dụng kháng sinh, thuốc đắt tiền, lạm dụng chụp, chiếu, siêu âm, xét nghiệm trong chẩn đoán hay tham nhũng. Đây là những “căn bệnh” cần được chữa trị trước, thay vì việc đồng loạt tăng giá viện phí.

Ngoài ra, còn vô khối chuyện để bàn đến như khoản lợi nhuận khổng lồ từ việc các bệnh viện dùng cơ sở công, nhân lực công, trang thiết bị công để mở các khoa, phòng dịch vụ. Nên cần nhanh chóng tiến hành đổi mới cơ cấu tài chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, cần tách bạch rõ ràng hệ thống y tế công – tư. Đã là hệ thống y tế công lập, được Nhà nước đầu tư về hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị thì không được sử dụng khám dịch vụ cho người dân với phí cao.

Gánh nặng viện phí tăng còn là việc sẽ kéo theo mức đóng BHYT tăng, trước là 4,5% nay lên 5% lương cơ bản. Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định việc tăng giá viện phí lần này không làm ảnh hưởng nhiều đến 53 triệu người đã có thẻ BHYT (chiếm khoảng 62% dân số cả nước). Mọi thanh toán đều do quỹ BHYT chi trả (người dân chỉ phải trả từ 5 đến 20% theo quy định). Thay vì hỗ trợ trực tiếp cho đơn vị cung ứng dịch vụ y tế (là các bệnh viện) thì Nhà nước sẽ chuyển sang hỗ trợ trực tiếp cho người bệnh thông qua việc mua hoặc hỗ trợ mua thẻ BHYT để thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. Tuy vậy, còn khoảng 38% dân số còn lại chưa có thẻ BHYT đều là đối tượng khó khăn. Họ đang đứng trước nguy cơ không thể chi trả nếu phải đi viện trong bối cảnh viện phí tăng cao như dự kiến.

Câu chuyện tăng giá dịch vụ y tế sẽ vẫn khiến dư luận “nóng” lên bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền, đến cơm áo của 88 triệu người dân; trong đó có những người nghèo, người mang trọng bệnh, thường xuyên phải tới bệnh viện để khám, điều trị bệnh. Người dân không phản đối tăng viện phí, nhưng tăng thế nào và cải tiến chất lượng khám chữa bệnh ra sao, minh bạch viện phí đến đâu vẫn chưa được cơ quan chuyên trách làm cho dân hài lòng.