Viện phí công lập cũng sẽ được điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bên cạnh việc ban hành khung giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu, Bộ Y tế cũng đang xây dựng lại khung giá viện phí mới theo hướng tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, giảm chi tiền túi của người dân.

Hiện tất cả bệnh viện công lập trên toàn quốc đang áp mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo Thông tư 13 và Thông tư 14 được Bộ Y tế ban hành năm 2019. Mức giá này chênh lệch khá nhiều so với bệnh viện bán công, chưa nói đến các bệnh viện hay phòng khám tư nhân.

Nhiều bệnh viện đầu tư các phòng điều trị theo yêu cầu rất hiện đại để phục vụ đa dạng nhu cầu người bệnh

Nhiều bệnh viện đầu tư các phòng điều trị theo yêu cầu rất hiện đại để phục vụ đa dạng nhu cầu người bệnh

Đơn cử như giá khám tại bệnh viện bán công, bệnh viện tư trên địa bàn Hà Nội từ 150.000 - 450.000 đồng (tùy chuyên khoa), thì giá khám theo quy định tại bệnh viện hạng đặc biệt (như Bạch Mai, Việt Đức…) được chi trả đồng hạng mọi khoa: 38.700 đồng. Về dịch vụ, hầu hết bệnh viện tư, phòng khám tư thu một lượt siêu âm 2D với giá từ 120.000 - 200.000 đồng, trong khi bệnh viện công có giá 43.900 đồng. Hay giá dịch vụ một lượt nội soi tai mũi họng của bệnh viện bán công có giá 350.000 đồng, trong khi đó giá ở các bệnh viện hạng I của Hà Nội (như Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Bệnh nhiệt đới Trung ương...) là 104.000 đồng.

Theo Bộ Y tế, giá khám, chữa bệnh hiện nay mới chỉ tính 2 trên 4 yếu tố là chi phí trực tiếp (như thuốc men, sinh phẩm, máu, hóa chất, vật liệu, dụng cụ...); tiền lương, tiền công. Hai yếu tố chi phí quản lý, chi phí khấu hao thiết bị và tài sản cố định chưa được tính. Nếu chỉ nhìn vào giá khám bệnh ở bệnh công là gần 39.000 đồng, siêu âm 44.000 đồng như dẫn chứng kể trên, trong khi giá khám bệnh ở bệnh viện tư là 400.000 - 500.000 đồng/ lượt, rõ ràng sự chênh lệch rất lớn và ai cũng thấy nó có lợi cho đa số người dân thu nhập trung bình, người bệnh nghèo. Song thực tế không hẳn đã như vậy.

Do viện phí không tính đúng, tính đủ, nhiều bệnh viện tuyến dưới không có điều kiện đầu tư trang thiết bị đủ đáp ứng cho việc khám chữa bệnh, không giữ chân được bác sĩ giỏi, dẫn đến có thực trạng người bệnh đi khám ở bệnh viện công nhiều khi phải đi khám ở nhiều viện từ tuyến dưới lên tuyến trên, thực hiện nhiều dịch vụ siêu âm, xét nghiệm mới phát hiện ra bệnh.

Hệ quả là tổng số tiền phải chi trả cũng không hề nhỏ, trong khi mất nhiều thời gian, công sức. Hơn nữa, mức viện phí thấp sẽ khoét sâu sự bất bình đẳng, khoảng cách giàu nghèo trong bệnh nhân, nhất là trong tiếp cận kỹ thuật cao, bác sĩ giỏi. Người dân sẽ tìm mọi cách để xoay xở khi đi khám, chữa bệnh, thậm chí họ chấp nhận bỏ bảo hiểm y tế và tự bỏ tiền túi ra khám, chụp chiếu…

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương): Nguồn thu nhập cho bác sĩ giỏi lấy từ đâu?

“Viện phí thấp khiến các bệnh viện công không thể giữ chân chuyên gia giỏi, vừa làm mất động lực phát triển của thầy thuốc, bệnh viện, vừa khiến người bệnh không được thụ hưởng dịch vụ chất lượng cao. Ví dụ, giả sử tiền công, tiền lương trung bình của bác sĩ khám bệnh là 200.000 đồng/ngày. Với quy định hiện hành một thầy thuốc khám mỗi ngày không quá 65 bệnh nhân, tiền công tiền lương của bác sĩ cấu phần trong giá 1 ca khám bệnh sẽ chỉ khoảng 3.000 đồng. Nguồn thu nhập cho bác sĩ giỏi lấy từ đâu? Chắc chắn phải từ viện phí và các dịch vụ tự nguyện, trong khi viện phí thấp thì không thể trả mức xứng đáng cho bác sĩ được. Khi bệnh viện công lập giữ chân được bác sĩ, chuyên gia giỏi, bệnh nhân nghèo mới có cơ hội được khám bác sĩ có chất lượng dù không đủ tiền đi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tư nhân”.

TS Vương Ánh Dương (Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế): Điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ từng bước giảm chi tiền túi của người dân

“Khi giá dịch vụ được tính đúng tính đủ, người tham gia bảo hiểm y tế sẽ được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán toàn bộ, thay vì phải tự thanh toán giá khấu hao thiết bị, cơ sở hạ tầng và quản lý - điều hành bệnh viện như hiện nay. Thực tế hiện hơn 40% chi phí khám, chữa bệnh là từ tiền túi người sử dụng dịch vụ y tế. Do vậy, Bộ Y tế hy vọng với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ sẽ "từng bước giảm chi tiền túi của người dân”.