Giá viện phí thấp, bệnh viện công khó giữ chân bác sỹ giỏi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Công đoàn y tế Việt Nam cho rằng, do giá dịch vụ y tế cho người có thẻ Bảo hiểm y tế thấp vì chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế nên nguồn thu của một số đơn vị sự nghiệp được giao tự chủ kinh phí chi thường xuyên bị hạn chế. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc, bỏ việc…

Bệnh viện cần nguồn thu để duy trì hoạt động ổn định

Tuần qua, Công đoàn y tế Việt Nam đã có văn bản gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu con số đáng báo động với 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc. Cơ quan này cũng nêu ra 8 nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn kể trên. Trong đó, lý do đầu tiên là do thu nhập thấp.

Theo Công đoàn y tế, lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Theo quy định hiện hành, bác sĩ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng. Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập là 4.881.240 đồng/tháng (chưa trừ nộp Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế) như trên rất khó giữ chân cán bộ. Trong khi đó, mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3 đến 4 lần, thậm chí có nơi gấp 5 đến 6 lần.

Thu nhập hạn chế trong khi số lượng bệnh nhân quá đông tạo áp lực lớn trong công việc khiến nhiều nhân viên y tế bỏ việc

Thu nhập hạn chế trong khi số lượng bệnh nhân quá đông tạo áp lực lớn trong công việc khiến nhiều nhân viên y tế bỏ việc

Cùng đó, Công đoàn y tế Việt Nam cho rằng, tại một số đơn vị sự nghiệp y tế được giao tự chủ kinh phí chi thường xuyên, do giá dịch vụ y tế cho người có thẻ Bảo hiểm y tế thấp vì chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế, nên nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị thấp.

Mặt khác, trong các năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và giãn cách xã hội nên số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh giảm khiến đến nguồn thu của đơn vị sự nghiệp y tế giảm, dẫn đến thu nhập nhân viên y tế giảm mạnh, thậm chí nhiều đơn vị còn bị chậm chi trả lương cho cán bộ, nhân viên.

Đây cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc nhân viên y tế xin nghỉ việc hoặc bỏ việc tìm cơ hội việc làm với mức thu nhập cao hơn. Từ phân tích trên, Công đoàn y tế Việt Nam đề nghị cần sớm nâng phụ cấp ưu đãi nghề lên 100% và mở rộng một số đối tượng người lao động trong ngành y tế cùng được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề.

PGS-TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn y tế Việt Nam cho rằng, hiện nay giá viện phí mới được tính 4/7 yếu tố đối với các dịch vụ y tế, trong khi 100% các bệnh viện phải tiến tới thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn. Đây là một vấn đề lớn, khiến các bệnh viện rất khó khăn trong việc lo lương và thu nhập tăng thêm cho cán bộ. Do đó, đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành chính sách viện phí được tính đúng, tính đủ chi phí để đảm bảo duy trì sự hoạt động của các bệnh viện, trong đó có chi phí đảm bảo an toàn cho cán bộ y tế.

Cái gì cũng trượt giá, sao viện phí đứng yên?

Cũng liên quan tới vấn đề trên, nhiều bệnh viện công gần đây phàn nàn về giá dịch vụ y tế quá thấp khiến bệnh viện không đủ nguồn lực để bảo đảm đời sống nhân viên và giữ chân các bác sĩ giỏi. Bộ Y tế cho biết, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đang được áp dụng theo quy định tại Thông tư 13/2019/TT-BYT. Theo đó, giá khám tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I là 38.700 đồng/ lượt; bệnh viện hạng II: 34.500 đồng/lượt; bệnh viện hạng III: 30.500 đồng/lượt; bệnh viện hạng IV, trạm y tế xã: 27.500 đồng/lượt. Cùng đó, giá giường bệnh đang được quỹ Bảo hiểm y tế chi trả từ 216.500 đến 705.000 đồng/ngày (áp dụng cho giường hồi sức tích cực hạng I).

Theo báo cáo của Công đoàn y tế Việt Nam, từ đầu năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022, có 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc (trong đó, 8.620 viên chức y tế thuộc quản lý của các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 777 viên chức y tế thuộc quản lý của đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế).

Theo khảo sát mới đây, giá một số dịch vụ cận lâm sàng hiện đang có sự chênh lệch lớn giữa các bệnh viện công và bệnh viện tư. Đơn cử như giá dịch vụ khám bệnh tại bệnh viện bán công trên địa bàn Hà Nội có giá từ 150.000 đồng đến 450.000 đồng (tùy chuyên khoa) thì giá khám theo quy định tại bệnh viện hạng đặc biệt được chi trả 38.700 đồng với bất cứ chuyên khoa nào.

Tương tự, dịch vụ nội soi tai - mũi - họng của bệnh viện này có giá 350.000 đồng/lượt thì giá các bệnh viện hạng I đang được Bảo hiểm y tế chi trả 104.000 đồng/lượt. Với dịch vụ siêu âm 2D, hầu hết các bệnh viện và phòng khám tư thu với giá từ 120.000 đồng đến 200.000 đồng còn Bảo hiểm y tế đang chi trả 43.900 đồng. Nhiều ý kiến cho rằng dịch vụ y tế đang được quỹ Bảo hiểm y tế chi trả mức giá khá “lạc hậu” so với thời giá hiện nay, nhất là trong bối cảnh trượt giá, giá xăng dầu liên tục tăng kéo theo giá vật tư y tế cũng đang tăng từ 5% đến10%.

PGS-TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, giá dịch vụ y tế mới tính 4/7 yếu tố cấu thành và giá này được xây dựng từ năm 2019 đến nay nên có nhiều điểm cần phải thay đổi. Dẫn chứng dịch vụ siêu âm ổ bụng hiện đang được chi trả với giá 43.900 đồng/lần, PGS-TS Đào Xuân Cơ cho biết, dù đã được điều chỉnh nhưng mức giá này được xây dựng gần 10 năm trước và chỉ tính một phần viện phí.

“Với giá này thì từ lúc mua máy siêu âm đến lúc hết khấu hao thì tổng tiền thu được chưa chắc đã đủ mua máy siêu âm, chứ đừng nói đến việc trả lương cho nhân viên y tế. Việc bệnh viện duy trì và tồn tại được với mức giá viện phí chỉ tính một phần như hiện nay là do nhiều năm qua không phải đầu tư máy móc. Phần lớn hệ thống máy sử dụng ở bệnh viện là từ nguồn xã hội hóa và thực hiện cơ chế mượn máy, đặt máy từ các doanh nghiệp trúng thầu hóa chất” - PGS-TS Đào Xuân Cơ nói.

Tuy nhiên, sau khi Bộ Tài chính có văn bản “tuýt còi” việc mượn máy, đặt máy tại các bệnh viện công thì việc này đã bị dừng lại. Với số lượng bệnh nhân tăng cao, tương đương với thời điểm trước khi có dịch, trong khi hệ thống máy cận lâm sàng bị thu hẹp, bệnh viện chỉ có thể yêu cầu nhân viên đi làm sớm hơn và về nhà muộn hơn để cố gắng đảm bảo khám chữa bệnh. Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, hơn 2 năm nay, thu nhập của nhân viên y tế giảm mạnh. Do lương thấp, các chính sách đãi ngộ chậm thay đổi, điều kiện làm việc bị hạn chế… nên nhiều bác sĩ giỏi đã rời bệnh viện sang bệnh viện tư.

Cũng phản ánh thực trạng giá dịch vụ y tế đang thấp hơn nhiều do với giá thực tế, GS-TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết, viện phí phải được tính đúng tính đủ, phải có cơ chế để có máy móc phục vụ khám chữa bệnh. Hiện tại, giá dịch vụ mới được tính một phần yếu tố chi phí, là tiền lương và chi phí trực tiếp, với các chi phí quản lý hay chi phí khấu hao tài sản cố định chưa được tính vào giá. Đây là yêu cầu cơ bản để có thể sắp xếp cho bác sĩ, nhân viên y tế có thu nhập ổn định, bệnh viện có đủ phương tiện, thuốc tốt để chữa bệnh…

Cần “tính đúng, tính đủ” viện phí

Để bệnh viện có nguồn thu đảm bảo được việc điều chỉnh phụ cấp cho nhân viên y tế, PGS-TS Đào Xuân Cơ cho rằng, mấu chốt là cần xem xét điều chỉnh giá viện phí theo hướng tính đủ 7 yếu tố cấu thành giá để bệnh viện công có thể vận hành bình thường. Điều này giúp đảm bảo công tác chăm sóc cho người bệnh cũng như để cán bộ y tế yên tâm công tác.

“Chúng tôi không tính lãi mà chỉ cần tính đủ giá viện phí. Trong các yếu tố cấu thành giá thì thuốc và vật tư thì không có lãi vì mua bao nhiêu sẽ được thanh toán bấy nhiêu. Đó là chưa kể hao hụt trong quá trình bảo quản, sử dụng. Còn nhiều yếu tố cấu thành khác bệnh viện đang phải trả tiền để vận hành bộ máy và các hoạt động khám chữa bệnh thì không được tính hoặc tính không đầy đủ. Ngay cả việc tăng phụ cấp cho nhân viên y tế đang được đề xuất thì vẫn phải có nguồn thu từ chính giá dịch vụ y tế. Nguồn thu vẫn là “miếng bánh” đó, nếu thêm chỗ này sẽ phải bớt chỗ kia” - PGS-TS Đào Xuân Cơ giải thích.

Thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đang được xây dựng. Theo đó, cơ quan soạn thảo đề xuất phương án xây dựng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo pháp luật về giá. Cụ thể, giá này bao gồm các nhóm yếu tố chi phí trực tiếp, tiền lương; chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định; thuốc, sinh phẩm, vật tư; dịch vụ khám, chữa và các chi phí khác liên quan. Với quy định này, nhiều ý kiến cho rằng sẽ khuyến khích, thúc đẩy các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đầu tư để nâng cao khả năng cung cấp cũng như chất lượng của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.