Việc không của một ngành

ANTĐ - Ngành y giành lại sự sống cho người mắc bệnh hiểm nghèo gian nan bao nhiêu, nỗ lực của CSGT “kéo” giảm một vụ, một người chết vì tai nạn cũng khó chẳng kém - Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt, tâm sự như vậy tại một cuộc họp đầu năm 2012 - Năm An toàn giao thông.

Thống kê của Cục CSGT đường bộ - đường sắt cho thấy, 9 ngày Tết Nhâm Thìn, trên địa bàn cả nước xảy ra 393 vụ TNGT đường bộ, làm chết 317 người, bị thương 380 người, giảm 20% số vụ so với dịp Tết Tân Mão. Đây là nỗ lực vượt bậc của lực lượng công an trong triển khai các kế hoạch, biện pháp đảm bảo TTATGT. Có duy trì được “đà” đi xuống, hoàn thành chỉ tiêu giảm 5-10% số vụ, số người chết, bị thương vì TNGT mà Quốc hội giao trong 2012 hay không, điều khiến lãnh đạo Cục CSGT đường bộ - đường sắt trăn trở không nằm ở việc thiếu biên chế, phương tiện, mà là… sự “may mắn”! Cầu sao cho ít người chết oan vì đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn.

Hiện, chưa có một thống kê đầy đủ về lượng người điều khiển xe máy, tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn. Chỉ biết, những “siêu thị” mũ không nguồn gốc, kém chất lượng vẫn từng ngày, từng giờ “mọc” lên như nấm ở các thành phố lớn. Câu chuyện mũ bảo hiểm thời trang, kém chất lượng được các phương tiện thông tin đại chúng lên tiếng đã lâu, nhưng thực trạng này chưa được chấn chỉnh sau 5 năm triển khai quyết định bắt buộc đội mũ bảo hiểm.

Có chức năng, nhiệm vụ phân luồng, điều tiết, hướng dẫn giao thông và xử phạt các trường hợp vi phạm, nhưng CSGT không có thẩm quyền xử phạt người đội mũ bảo hiểm “dởm”. Chức năng, nhiệm vụ đó của lực lượng nào đến nay chưa có văn bản phân định, ràng buộc trách nhiệm. Quyết tâm của ngành công an hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội giao là điều đang thấy rõ, nhưng để giảm hơn nữa số người chết vì TNGT, cần những nỗ lực rõ nét hơn của các cơ quan, đơn vị phối hợp, nhất là việc chấn chỉnh các quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng mũ bảo hiểm với người đi mô tô, xe máy.