Vì sao bé trai chậm nói hơn bé gái?

ANTĐ - Bé trai có xu hướng nói chậm hơn bé gái, kỹ năng cảm thụ ngôn ngữ của chúng cũng chậm hơn bé gái, nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Australia có thể lý giải điều này.

Trong nghiên cứu vừa công bố trên Tạp chí Tâm lý học trẻ em và tâm thần học, các mẫu máu dây rốn từ gần 900 trẻ sơ sinh ở Australia đã được thu thập và xét nghiệm testosterone. Bé trai sơ sinh tiếp xúc với lượng testosterone trước khi sinh gấp 10 lần so với các bé gái. Hormone giới tính như testosterone được biết là đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển não bộ. Theo nhà nghiên cứu Andrew

JO Whitehouse - Tiến sĩ, Phó Giáo sư tại Viện Nghiên cứu sức khỏe trẻ em Telethon thuộc Đại học Tây Australia, khoảng 12% số trẻ bị chậm nói, chủ yếu là bé trai. Trong nhiều năm, nguyên nhân của điều này vẫn là bí ẩn nhưng các nhà khoa học Úc thấy rằng, việc tiếp xúc với testosterone, đặc biệt là ở nam giới, có thể dẫn đến chậm ngôn ngữ.

Nghiên cứu theo dõi các trẻ em trong ba năm đầu đời, có kiểm tra các giai đoạn phát triển mỗi năm. Theo đó, những cậu bé 3 tuổi với mức testosterone trong dây rốn cao nhất bị chậm nói gấp đôi so với những bé trai có mức testosterone thấp nhất. Ở bé gái cũng vậy, testosterone cao hơn thì trẻ cũng chậm nói hơn. Dù vẫn chưa tìm được lý do giải thích tại sao testosterone có thể tạo ra hiệu ứng khác nhau về ngôn ngữ giữa bé trai và bé gái nhưng kết quả nghiên cứu là tiền đề cần thiết để tìm ra câu trả lời. Tư vấn cho phụ huynh, các nhà khoa học trên cho rằng, cha mẹ nên theo dõi sát từng cột mốc phát triển của con mình, nếu trẻ em không đáp ứng được những tiêu chuẩn nhất định thì cần can thiệp sớm để ngăn ngừa các vấn đề có thể nảy sinh sau này như đọc, viết, và vấn đề hành vi.