Kỷ niệm 59 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954/7-5-2013)

Vị chỉ huy tối cao của những người lính chúng tôi!

ANTĐ - Cuối thu năm 1954, cả gia đình từ chiến khu về Hà Nội. Tôi mới 5 tuổi. Một ngày, cha tôi đem về 2 quyển Báo ảnh Việt Nam. Quyển 1, ngoài bìa in hình một anh bộ đội, đội mũ nan bế em bé, quyển 2 là đoàn quân chiến thắng phất cờ trên nóc hầm… Chưa bao giờ tôi thấy cha tôi xúc động như thế. Giở tiếp một trang, ông chỉ vào chiếc ảnh to nhất, một người mặt tròn, mắt sáng, điềm tĩnh mà kiên nghị, vành môi rất đẹp hơi cong lên, đội chiếc mũ kêpi có ngôi sao vàng, quai mũ ôm lấy khuôn mặt, nói với tôi: Đó là Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, người trực tiếp chỉ huy chiến thắng Điện Biên Phủ này đấy! Cả ông và tôi, không thể biết rằng chiến thắng đó chỉ mới là bắt đầu cho một cuộc đấu dằng dặc sau này, phải hy sinh nhiều người, chịu nhiều tổn thất cho non sông liền một dải…
Vị chỉ huy tối cao của những người lính chúng tôi!  ảnh 1
Tác giả trong buổi vẽ chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trong cuộc chiến khốc liệt bảo vệ lòng tự trọng và phẩm giá Con Người đó, Người Tổng Tư lệnh luôn đứng mũi chịu sào trong mọi tình huống, và cha tôi cũng không biết rằng, đứa con trai của ông một ngày kia lại đứng trong đội quân cảm tử dưới quyền chỉ huy của Đại tướng. Và nó lại có may mắn được gặp Tổng Tư lệnh tới 3 lần! 

Lần thứ Nhất: Đầu năm 1972, cuộc chiến trở nên căng thẳng, quân hai bên ào ào đổ vào Quảng Trị. Sư đoàn 338, quân tăng cường của Bộ Tư lệnh Thủ đô nhận rất nhiều sinh viên từ các trường đại học, cả các thầy giáo và các nghiên cứu sinh từ nước ngoài về… Trong khí thế ra quân rầm rập ấy, nhiều người cắn ngón tay lấy máu viết quyết tâm thư xin ra trận. Mùa đông năm ấy rét thấu xương. Sư đoàn chúng tôi đóng quân ở Bỉm Sơn (Thanh Hóa), sâu trong vùng đồng bào thiểu số ở. Luyện quân 3 tháng trước khi vào Quảng Trị. Xạ kích, võ thuật, lăn lê bò toài, đào hầm tránh bom, đặc biệt là ngày nào cũng cho 10kg gạch vào sọt tre khoác vai chạy 5 km… 27 Tết, không ai được về nhà, lúc ngủ mặc tất cả quần áo dài, đắp chăn chiên, quấn thêm cái màn, rồi trùm cả tấm áo mưa lên trên mà vẫn rét… 3 giờ sáng, đang say giấc, lệnh báo động toàn đơn vị. Đem tất tật quân trang quân dụng đi… Đêm cuối năm tối đen như mực. Cứ người sau bám người trước mà đi. Tảng sáng mới biết hóa ra sư đoàn hành quân… ngược ra Bắc! Đang ở Non Nước (Ninh Bình). Quãng 10 giờ, toàn sư đoàn tập trung trên một quả đồi, ở đó đơn vị tiền tiêu đã chuẩn bị trước một sân khấu dã chiến và náo nức khi nghe tin: Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ chúc Tết sư đoàn trước giờ lâm trận! Ông xuất hiện trên đài cao giản dị, quân phục Tô Châu 4 túi, quàng một cái khăn mỏng… Toàn Sư im phăng phắc nghe ông nói về thế trận, về âm mưu của địch, về quyết tâm chiến lược và sách lược của ta, về ý chí thống nhất đất nước… Cuối cùng ông chúc quân đội ăn một cái Tết chiến thắng. Tiếng “hu ra” (muôn năm) như sấm rền, rồi tiếng: “Chúc Đại Tướng khỏe” vang xa 3 lần. Sau đó, các đơn vị ai về chỗ nấy, chúng tôi chạy nhanh ra chỗ xe com-măng-ca của ông, để được tận mắt nhìn rõ vị Tổng chỉ huy của mình. Từ xa, ông không lên xe ngay, ông đi bộ giữa hàng quân, vừa đi vừa vẫy tay khích lệ binh sĩ. Đang đi, bất ngờ ông dừng lại trước một chiến sĩ trẻ, rất trẻ (sau này anh là họa sĩ Nguyễn Tiến Dũng, phụ trách mỹ thuật Cung Thiếu nhi Hà Nội), và hỏi: “Đồng chí đi bộ đội lâu chưa?”. Dũng trả lời: “Báo cáo Đại tướng, được hai tháng ạ!”. Bất ngờ, vị Tướng quân dập gót đứng nghiêm chào người lính Binh nhì, anh cũng bất ngờ nghiêm chào Đại tướng! Tất cả lặng đi, rồi tiếng “hu ra” nổ như sấm… Nhiều người lính khóc, ông như người cha trong đạo quân Phụ tử chi binh, biết rằng những đứa con bé nhỏ kia, gương mặt sạm gầy trong giá rét, một ngày rất gần đây thôi sẽ lao mình trong bom đạn, sẽ hy sinh mạng sống vì sự trường tồn của dân tộc trên các chiến trường B, C, K… Mà ông không bao giờ muốn.

Lần thứ hai: Sau chiến tranh, tôi trở về làm họa sĩ, những người lính đối phương từng một thời chọi súng cũng nhiều người như vậy. Nhất là lính Mỹ! Chính những người lính Mỹ khởi xướng ra cuộc triển lãm hội họa “Cái nhìn từ hai phía” đầu tiên! Đầu năm 1990, Trung tâm William Joiner kết hợp với chương trình nghệ thuật Đông Dương tổ chức triển lãm đó. Phía Mỹ có 20 họa sĩ từng tham chiến tại Việt Nam dưới đủ các sắc lính: Anh Cả Đỏ, Thủy quân lục chiến, lính dù, biệt động, cả những nữ y tá tại các đơn vị dã chiến tiền tiêu. Phía Việt Nam cũng vậy. Năm ấy chưa bỏ cấm vận, đất nước thống nhất mới hơn 10 năm, vừa qua thời bao cấp, khói bom còn hằn trên gương mặt những người lính Việt Nam và hội chứng chiến tranh còn hằn trên gương mặt những người lính Mỹ. Cuộc triển lãm khai mạc tại thành phố Boston (Massachusetts) Mỹ, sau đó đi qua 15 bang nước Mỹ, kéo dài trong 2 năm và bế mạc tại Hà Nội (Việt Nam). Hôm bế mạc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có dự, ông xem rất kỹ từng bức tranh, đặc biệt là tranh của những họa sĩ Mỹ, ông dừng rất lâu trước bức “Chân dung Bác Hồ” do Davít Tô mat, cựu chiến binh Mỹ sáng tạo bằng những con tem và bức “Cánh rừng Điôxin” của tôi và đề nghị gặp tác giả… Ông là vị Tướng văn võ song toàn, yêu văn học, nghệ thuật và chơi piano thành thạo!   

Lần thứ ba: Lại 10 năm nữa trôi đi, năm 2003. Tướng quân 92 tuổi rồi, một cơ duyên tôi được vào tư dinh vẽ Đại tướng! 3 giờ chiều ngày 12 tháng 9, đúng giờ hẹn, ông tiếp tôi, quân phục uy nghiêm, trong 1 tiếng đồng hồ, tôi vẽ ông bằng bút sắt, không đạt! Phần vì bút sắt không phải là sở trường của tôi, nhưng có lẽ cái chính vì những cảm xúc đột khởi trong lòng vì được ngồi sát cạnh một con người mà mình tôn kính bấy lâu. Người chịu bao thăng trầm của chính trường, chịu muôn vàn đau khổ khi đồng bào chiến sĩ của mình quằn quại trong những năm tháng khốc liệt xa xưa. Lòng tôi dội lên, Tướng quân có khóc không? Trước cạm bẫy cuộc đời ông đối phó thế nào? Nhìn nét mặt không vừa ý của tôi, ông bảo: “Mai ta nên làm tiếp!”. Tôi bàng  hoàng: “Dạ, mai mấy giờ ạ?”. Ông nói: “Ba giờ!”. Âm thanh như một tiếng lệnh. Ông nói thổ ngữ Quảng Bình, sắc gọn, trầm sâu.   

Đúng 3 giờ chiều hôm sau, tôi có mặt. Hôm nay ông vui hơn, ông hỏi thăm gia đình tôi, hỏi về thân thế tôi, về ông tôi và cha tôi, ông còn hướng dẫn tôi nên lưu ý những đặc điểm của ông là cái mắt và cái trán… Bất ngờ, ông hỏi: “Sao Minh Đỉnh “đi” nhanh thế nhỉ?”. Loáng cái, bức vẽ bằng phấn màu của tôi đã hoàn thành. Rồi ông gọi vợ: “Hà ơi, ra xem này!”. Vẻ phấn khởi. Tôi nói: “Xin Đại tướng ký cho em một chữ vào đây”. Ông hỏi: “Ký là Văn hay Võ Nguyên Giáp?”. Tôi nói: “Đại tướng ký Võ Nguyên Giáp là hơn”… Ông dừng một chút như lấy đà, rồi phóng bút. Đường bút đi như kiếm bay, chấm một cái, thế là bức họa hoàn thành. Ông thật giản dị, đúng là vị Tướng của hòa bình! 

Kỷ niệm 59 năm chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ, chúng tôi, những người lính từng đứng dưới bóng cờ của ông không khỏi bồi hồi, tự hào về người chỉ huy tối cao của mình, người học trò xuất sắc của Bác Hồ, người tổ chức nên mọi chiến thắng.