Vết nứt

ANTĐ - Một người gánh nước thuê ở Ấn Độ có hai chiếc bình gốm lớn. Một trong 2 chiếc bình vẹn nguyên một cách hoàn hảo và luôn đựng đầy nước từ suối về nhà. Còn một chiếc bình bị nứt, mỗi khi đến nhà nước chỉ còn một nửa.

Cứ thế, trong hai năm trời, ngày nào người đàn ông cũng chỉ đổ được 1 thùng rưỡi nước khi trở về. Chiếc bình còn nguyên vẹn rất tự hào về mình. Còn chiếc bình nứt cảm thấy đau khổ vì chỉ có thể hoàn thành được một nửa công việc. Một ngày, nó quyết định nói chuyện với người gánh nước:

“Tôi rất xấu hổ về bản thân, và tôi muốn xin lỗi ông”.

“Tại sao?” Người gánh nước hỏi. “Anh xấu hổ vì cái gì?”

“Hai năm qua, với vết nứt trên mình, tôi chỉ có thể hoàn thành một nửa công việc. Vì tôi, nên mặc dù đã cố hết sức nhưng nỗ lực của ông không được trả công xứng đáng”, chiếc bình nứt trả lời.

Người gánh nước chỉ nói nhẹ nhàng: “Khi trở về, tôi muốn anh hãy để ý đến những bông hoa ven đường”.

Trên đường về, những bông hoa ven đường rực rỡ dưới ánh nắng đã làm vợi bớt đi nỗi buồn của chiếc bình nứt. Nhưng đến nhà, khi nhận thấy mình chỉ còn một nửa lượng nước, chiếc bình nứt lại cảm thấy day dứt. 

Lúc này, người gánh nước mỉm cười: “Anh có thấy những bông hoa trên đường về chỉ nở phía bên anh, chứ không phải bên chiếc bình vẹn nguyên kia không? Đấy là vì tôi đã luôn biết về vết nứt của anh, và tôi đã tận dụng nó. Tôi đã gieo hạt giống hoa ở phía anh, và mỗi ngày khi chúng ta trở về, anh đều tưới cho những hạt giống đó. Trong hai năm qua, chúng ta đã có một con đường rất đẹp để trang điểm cho ngôi nhà của ông chủ. Anh thấy không, số nước đó không hề bị lãng phí”.

Có thể mỗi người chúng ta đều có những khiếm khuyết riêng, nhưng đừng biến nó thành nỗi day dứt, hãy đối xử thật công bằng với nó. Hãy mạnh dạn bước đi, chúng ta sẽ tìm thấy sức mạnh của bản thân.