Vẹn nguyên ký ức hào hùng nửa thế kỷ trước của chiến sĩ Công an Thủ đô dưới mưa bom bão đạn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  “Đó là những ngày tháng không thể nào quên. Dù dưới mưa bom bão đạn, dù luôn ở giữa lằn ranh sinh tử, nhưng chúng tôi - những chiến sĩ Công an Hà Nội tuổi đôi mươi không một giây phút nào nghĩ về sự sống và cái chết, chỉ tâm niệm một điều luôn cố gắng hết mình để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao”...
Đại úy công an Nguyễn Đức Đa hiện là Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 4 phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Đại úy công an Nguyễn Đức Đa hiện là Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 4 phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Đảm bảo an ninh, an toàn tại mỗi căn nhà, góc phố

Đó là chia sẻ của Đại úy Nguyễn Đức Đa, sinh năm 1951 - cán bộ hưu trí của CATP Hà Nội, hiện là Bí thư chi bộ tổ dân phố số 4 phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm - “nhân chứng sống” trong cuộc chiến đấu 12 ngày đêm lịch sử diễn ra cách đây tròn 50 năm.

Sau khi ra trường, tháng 8-1971, chàng thanh niên 20 tuổi Nguyễn Đức Đa được phân công về công tác tại Phòng Cảnh sát trật tự - CATP Hà Nội. Hơn 1 năm sau, ngày 18-12-1972, đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52 vào Hà Nội và Hải Phòng. Trong 12 ngày đêm, chỉ tính riêng tại Thủ đô Hà Nội, Mỹ đã sử dụng 441 lượt máy bay B52 cùng hàng nghìn lượt máy bay chiến thuật, ném hơn 10.000 tấn bom hủy diệt nhiều khu phố, làng mạc.

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Đức Đa, trong mọi thời điểm, Công an Hà Nội luôn nắm chắc và làm chủ tình hình, bảo đảm trật tự trị an trên toàn địa bàn thành phố. Là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc hoạch định phương án, bảo đảm việc tổ chức sơ tán liên tục, thông suốt, an toàn, đúng kế hoạch, Sở Công an Hà Nội đã phối hợp với quân đội cử cán bộ bám tuyến, bám chốt tại các cửa ô, bến phà. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng cảnh sát khu vực phối hợp với bảo vệ dân phố, dân phòng tổ chức tuần tra, kiểm soát bảo vệ tài sản để nhân dân yên tâm đi sơ tán. Suốt 12 ngày đêm ở Hà Nội, dù nhà nhà, người người đi sơ tán, nhưng mỗi căn nhà, góc phố dù có khóa hay không khóa vẫn được bảo đảm an ninh, an toàn. Mỗi người dân đi sơ tán đều yên tâm, tin tưởng khi giao chìa khóa gửi gắm các chiến sĩ công an, lực lượng bảo vệ trị an cơ sở.

Nói về những ngày tháng đầy cam go đó, ông Nguyễn Đức Đa không thể quên sự kiện kho xăng Đức Giang bị bắn phá lần thứ hai vào năm 1972. Sau khi bị trúng bom, mục tiêu này bốc cháy ngùn ngụt và lan rộng chỉ trong chớp mắt. Khi kho xăng Đức Giang bốc cháy, các chiến sĩ cứu hỏa của Đội Phan Chu Trinh - Công an Hà Nội đã cùng lực lượng của các Đội chữa cháy khác đã nhanh chóng lên đường và đã thành công trong việc cứu chữa kho xăng này.

Sau khi ngọn lửa được dập tắt, ông Nguyễn Đức Đa và đồng đội được phân công tiếp quản địa bàn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hiện trường theo ca, canh gác cho các lực lượng vào bốc vác, di chuyển xăng dầu. “Dù không nguy hiểm như anh em PCCC khi dập lửa nhưng nhiệm vụ của chúng tôi cũng không kém phần khó khăn bởi đám cháy vừa được dập tắt có thể lại bùng lên bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, hơi nóng hầm hập, mùi xăng dầu nồng nặc khắp nơi cũng khiến bất cứ ai đi qua cũng cay xè mắt. Tuy vậy, với tinh thần nỗ lực hết mình, tôi và đồng đội trong ca trực đã liên tục túc trực tại đây trong 3, 4 ngày, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ hiện trường được cấp trên giao phó”, ông Nguyễn Đức Đa chia sẻ.

Đại úy Nguyễn Đức Đa (bên phải) cùng đồng đội năm 1978

Đại úy Nguyễn Đức Đa (bên phải) cùng đồng đội năm 1978

Công an Thủ đô vì độc lập dân tộc, vì bình yên của nhân dân

Khi máy bay địch đánh phá ác liệt, lực lượng Công an Hà Nội đã bảo vệ thành công cuộc sơ tán cấp tốc hàng vạn người ở các tiểu khu, khu phố nội thành, vùng trọng điểm cùng một khối lượng tài sản khổng lồ ra ngoại thành và về các địa phương lân cận nhanh gọn, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị công an cơ sở còn phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức cứu thương, cứu sập, tuần tra canh gác bảo vệ, dọn dẹp hiện trường sau mỗi đợt địch dội bom đánh phá.

Sở Công an Hà Nội đã thành lập các đội tải thương cơ động tổ chức cứu thương, sửa chữa điện, nước, thu dọn đường sá, hướng dẫn giao thông, chôn cất người hy sinh và cứu giúp người bị nạn ở các tuyến phố nội thành và các khu vực trọng điểm như Khâm Thiên, Nguyễn Thiệp, Hai Bà Trưng... Đồng thời, tập trung phương tiện, lực lượng tiến hành cứu hộ, cứu sập tại các cơ sở ngoại giao và địa điểm có nhân viên sứ quán, người nước ngoài ở, làm việc.

Nói về nhiệm vụ này, ông Nguyễn Đức Đa chia sẻ, sau khi Tòa Tổng Đại diện (tức Sứ quán) Pháp ở Hà Nội bị máy bay Mỹ ném bom, nhà ở của Tổng Đại diện bị phá hủy hoàn toàn khiến nhiều người bị thương nặng và tử vong. Ông và các đồng đội đã được cử đến để bảo vệ hiện trường để các cán bộ công nhân viên dọn dẹp đồ đạc.

Trong 12 ngày đêm lịch sử, ban ngày đi làm nhiệm vụ chốt trực tại các điểm được phân công, ban đêm ông Đa ngủ tại tầng 3 một ngôi nhà trên phố Nhà Thờ. Do nhà đông người nhưng chỉ có một hầm nhỏ dưới tầng 1 nên ông thường xuyên nhường chỗ cho người khác. “Không khí chiến đấu hừng hực trong từng căn nhà, ngõ phố. Ngoài những người đã đi sơ tán, người dân ở lại đào hầm, phục vụ bộ đội, khắp nơi đâu đâu cũng là chiến hào. Mỗi khi có báo động máy bay địch đến, nhiệm vụ của các chiến sỹ công an là hô hào, hỗ trợ người dân xuống hầm rồi đậy nắp lại, chốt trực bên trên. Dù khó khăn gian khổ, có khi vừa bưng bát cơm lên là phải đặt ngay xuống hay phải thức xuyên đêm nhưng tinh thần của mỗi người rất phấn khởi và lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng” - ông Nguyễn Đức Đa chia sẻ.

Cũng theo ông Đa, trong những ngày địch bắn phá ác liệt, các chiến sĩ công an luôn trong trạng thái quân trang đầy đủ, không dám cởi giày để khi nghe tiếng còi báo động là lập tức lên đường. Tin tức chiến thắng liên tục cập nhật khiến ai cũng nức lòng. Sau chiến thắng, người dân đi sơ tán ở các nơi đổ về khiến Hà Nội đông như ngày hội.

“Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” với đóng góp quan trọng của lực lượng Công an Thủ đô đã góp phần tô thắm thêm truyền thống của người Công an cách mạng, vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Tôi và những người đồng đội, đồng chí cùng thời sẽ mãi khắc ghi những ngày tháng không thể nào quên đó” - ông Nguyễn Đức Đa xúc động chia sẻ.