Về nơi “mùa hoa sở ra cây”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không rõ nhà thơ Lò Ngân Sủn sáng tác bài thơ “Chiều biên giới” ở miền biên viễn nào, nhưng “mùa hoa sở ra cây” thì có lẽ huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh sẽ là một phần của bài hát ấy. Bởi nơi đây được biết đến với lễ hội hoa sở, được tổ chức vào tháng 12 hàng năm.

Và nơi ấy, không chỉ có màu trắng của hoa sở, hoa lau mà còn là sắc xanh của người chiến sỹ biên phòng, đang cùng đồng bào vùng cao bảo vệ biên giới, phát triển kinh tế, xã hội…

“Bác nông dân” quân hàm xanh cùng bà con chăm sóc vườn mẫu với những cây cho giá trị kinh tế cao

“Bác nông dân” quân hàm xanh cùng bà con chăm sóc vườn mẫu với những cây cho giá trị kinh tế cao

“Bác nông dân” quân hàm xanh

Một buổi sớm, Trung tá Vi Ngọc Hạnh, Chính trị viên phó Đồn biên phòng cửa khẩu (BPCK) Hoành Mô cùng Thiếu tá Bùi Văn Đông tranh thủ xuống khu vườn mẫu mà đồn đang hướng dẫn ông Tẩn Mí Sềnh cùng gia đình chăm sóc tại bản Nà Choóng, xã Hoành Mô.

Theo Trung tá Vi Ngọc Hạnh, xuất phát từ điều kiện thực tế địa bàn người dân có hàng nghìn mét vuông đất trồng, nhưng vẫn nghèo và thực hiện Hướng dẫn của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ninh về nhận “Giúp đỡ, xây dựng thôn, bản, khu dân cư biên giới, biển đảo vững mạnh tiêu biểu”, đầu năm 2021, Đồn BPCK Hoành Mô đã giúp một số gia đình tại thôn Nà Choòng, xã Hoành Mô cải tạo ruộng đất, thay đổi cơ cấu và giúp sức chăm sóc cây trồng.

Đơn vị đã trao tặng các hộ dân 1.000 cây quýt giống, 500 cây bưởi da xanh, 100 cây mít Thái Lan, 100 cây bơ sáp, tổng trị giá 50 triệu đồng. Đây là những loại cây được đánh giá là phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Đơn vị tham khảo các chuyên gia nông nghiệp và định hướng việc trồng cây ăn quả cho bà con sao cho năng suất cây trồng tốt nhất mà sản phẩm lại có đầu ra, đồng thời hỗ trợ bà con 70 triệu đồng để mua phân bón ban đầu và chăm sóc cây trong 3 năm tiếp theo.

Phút thiêng liêng tại cột mốc biên giới của CBCS Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh

Phút thiêng liêng tại cột mốc biên giới của CBCS Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh

Trong quá trình triển khai, đơn vị đã tiếp tục cử cán bộ am hiểu về kỹ thuật nông - lâm nghiệp đến từng vườn mẫu để hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc trong các giai đoạn, đảm bảo cây phát triển tốt, bởi chỉ cần lơ là một công đoạn làm không đúng kỹ thuật thì có thể vườn cây sẽ phát triển không tốt, lãng phí công sức của bộ đội và nhân dân.

Cán bộ chiến sĩ Đồn BPCK Hoành Mô còn thường xuyên đến giúp người dân làm cỏ, rải phân bón như Thiếu tá Bùi Văn Đông. Dưới bàn tay chăm sóc, vun vén của quân và dân nơi đây, những cây trái đang phát triển từng ngày, hứa hẹn vụ mùa bội thu. Các anh còn hướng dẫn bà con trồng xen canh cây sắn tại diện tích đất trồng cây ăn quả, góp phần tăng thêm thu nhập, lấy ngắn nuôi dài.

Qua gần 2 năm làm vườn cây mẫu, các loại cây phát triển tốt. Một vùng đất vườn, đồi rộng lớn, xưa kia chỉ là những mảnh ruộng thời vụ, đất bỏ không nhiều tháng trong năm, giờ đã được phủ kín hàng nghìn cây ăn quả, hứa hẹn giúp mang lại cho người dân nơi biên giới cuộc sống sung túc, đủ đầy hơn.

Đường tuần tra mùa xuân

Đường tuần tra mùa xuân

Đưa Đảng đến gần với đồng bào vùng cao

Bình Liêu có 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, một trong những huyện có đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất tỉnh Quảng Ninh và cả nước. Trung tá Tẩy Văn Thái, Chính trị viên Đồn BPCK Hoành Mô cũng là người con của thôn bản. Anh là người Sán Dìu. Sau khi được tuyển chọn vào lực lượng BĐBP, ngoài 1 năm công tác ở Lào Cai, 3 năm ở An Giang, cuộc đời binh nghiệp của anh chủ yếu gắn bó với quê hương Quảng Ninh.

Là một cán bộ làm công tác Đảng trong đồn biên phòng, Trung tá Tẩy Văn Thái luôn suy nghĩ về việc đưa Đảng đến với các thôn bản. Anh cho hay, đơn vị đang triển khai mô hình cán bộ Đồn biên phòng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn bản biên giới.

Được biết, năm 2019, Đồn BPCK Hoành Mô được sự nhất trí, lãnh đạo chỉ đạo của Đảng ủy BĐBP Quảng Ninh và Huyện ủy Bình Liêu, hướng dẫn của Ban tổ chức Tỉnh ủy đã triển khai thí điểm 13 đồng chí cán bộ biên phòng tham gia sinh hoạt tại 13 chi bộ thôn bản biên giới. Trên cơ sở tổng kết mô hình thí điểm này, Ban tổ chức Tỉnh ủy đã nhân rộng thực hiện mô hình đối với các chi bộ thôn bản biên giới trong toàn tỉnh. Đồn hiện tại đang có 21 đồng chí sinh hoạt tại 21 chi bộ thôn bản biên giới, trên cơ sở là vẫn giữ nguyên 13 đồng chí thí điểm của ngày trước và thêm 8 cán bộ bổ sung.

Theo chỉ huy Đồn BPCK Hoành Mô, mô hình cán bộ biên phòng sinh hoạt Đảng tại các chi bộ thôn bản biên giới xuất phát từ thực tiễn địa phương. Việc đưa cán bộ biên phòng tham gia sinh hoạt Đảng với mục tiêu xóa xã “trắng” đảng viên đã được thực hiện từ rất lâu. Tuy nhiên để đưa vào mô hình sinh hoạt bài bản, theo tính chất sinh hoạt thường kỳ, thường xuyên thì thực tế tại Quảng Ninh chưa được triển khai. Sau thời gian thí điểm, hiệu quả của mô hình đã được đánh giá thành công, mang lại hiệu quả nhất định. “Bình Liêu là một huyện biên giới, địa bàn phân tán và rộng. Những đảng viên tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn bản giờ đã trở thành cánh tay nối dài giữa Đồn Biên phòng đến cấp ủy chính quyền địa phương, các thôn bản các xã biên giới” - Trung tá Tẩy Văn Thái nhìn nhận.

Hiệu quả nhìn thấy được sau 3 năm triển khai mô hình là CBCS Đồn BPCK Hoành Mô làm tốt công tác nắm tình hình, gần dân, sát dân, hiểu thêm về tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân; tính Đảng trong các chi bộ được nâng lên, lãnh đạo, chỉ đạo một cách toàn diện hơn và sâu rộng hơn, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến chủ quyền biên giới và tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Giữ bình yên miền biên viễn Tổ quốc

Đồn BPCK Hoành Mô phụ trách 1 thị trấn và 5 xã biên giới: Đồng Văn, Hoành Mô, Đồng Tâm, Lục Hồn, Vô Ngại. Cuối năm 2019, miền biên cương đón những chiến sỹ Công an chính quy đầu tiên đảm nhiệm chức danh Công an xã về nhận nhiệm vụ. Trung tá Vi Thanh Tuấn, Trưởng Công an thị trấn Bình Liêu chia sẻ, từ ngày đầu về, lực lượng Công an chính quy gặp không ít khó khăn đặc biệt là nhiệm vụ tiếp xúc với nhân dân để nắm tình hình địa bàn. “Bộ đội biên phòng đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là trong 2 năm 2020 và 2021, Bộ Công an triển khai thu thập dữ liệu dân cư và thực hiện Dự án Sản xuất, cấp và quản lý CCCD gắn chíp” - Trung tá Vi Thanh Tuấn cho biết.

Theo Thiếu tá Phạm Quốc Khánh, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn BPCK Hoành Mô, không chỉ thực hiện theo Nghị định 03/CP của Chính phủ quy định về công tác phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, giữa lực lượng Công an và BĐBP nói chung, Đồn Hoành Mô và CAH Bình Liêu nói riêng cũng có quy chế phối hợp.

Đặc thù Bình Liêu là một địa bàn biên giới, giữa Công an và BĐBP còn gắn kết đặc biệt, luôn có sự phối hợp thường xuyên. “Công an xã đóng quân trên địa bàn biên giới nên chúng tôi cùng nhau duy trì an ninh trật tự, quản lý cư trú, tuần tra biên giới, nhất là công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm quy chế biên giới. Khi lực lượng Công an triển khai thu thập dữ liệu dân cư, BĐBP đã hỗ trợ lực lượng Công an đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, tuyên truyền vận động nhân dân giúp đỡ lực lượng Công an hoàn thành nhiệm vụ” - Thiếu tá Phạm Quốc Khánh cho biết.