Vật tư ảnh một thời khốn khó

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau năm 1975, hai miền Nam - Bắc bắt đầu được thông thương hàng hóa, trong đó có lĩnh vực vật tư ngành ảnh. Thành phố Hồ Chí Minh những năm 1980 rất khan hiếm vật tư ảnh. Trước đó, các tiệm ảnh ở miền Nam vốn có nguồn cung cấp từ các công ty nước ngoài, chủ yếu là Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Tây Đức… đặc biệt là phim, giấy ảnh, thuốc tráng của các hãng Nhật Bản như Kodak, Fujifilm, Affa thì được ưa chuộng bậc nhất. Khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ, giới nhiếp ảnh lao đao về nguồn nguyên liệu. Trước nhu cầu khan hiếm về nguồn hàng lúc bấy giờ thì Hà Nội cứu cánh.
Thợ ảnh Sài Gòn những năm 1980 rất chuộng sử dụng vật tư, thiết bị ngành ảnh của các nước XHCN được chuyển từ Hà Nội vào

Thợ ảnh Sài Gòn những năm 1980 rất chuộng sử dụng vật tư, thiết bị ngành ảnh của các nước XHCN được chuyển từ Hà Nội vào

Những chuyến hàng ngược dòng

Những năm sau giải phóng miền Nam, đường sắt rất nhộn nhịp. Ga Hàng Cỏ mỗi ngày có tới 4 chuyến tàu Bắc - Nam cả đi lẫn về. Xe khách thì hiếm vì thiếu ô tô, vé máy bay thời điểm ấy rất đắt đỏ nên đường dây trung chuyển vật tư ảnh bằng tàu hỏa được hình thành, hãn hữu mới có vài dân buôn máu mặt đánh hàng bằng đường hàng không.

Ngay khi tàu đến ga Bình Triệu đã có người đón rồi chở thẳng về điểm cất hàng. Để tránh con mắt kiểm tra của cán bộ thuế vụ, dân buôn có rất nhiều kinh nghiệm luồn lách. Khi là thiếu nữ xinh đẹp xách theo một valy ra cửa, miệng nhoẻn nụ cười tươi rói với mấy anh quản lý thị trường. Lần là anh bộ đội đội mũ tai bèo, lưng đeo ba lô con cóc thản nhiên qua cửa soát vé. Nhưng bên trong valy của cô gái xinh đẹp hay ba lô của anh bộ đội kia toàn phim, giấy ảnh Đức theo đơn đặt hàng chứ chẳng có quần áo, vật dụng cá nhân gì cả.

Cũng cần nói thêm, những mặt hàng vật tư ngành ảnh lúc đó thuộc diện Nhà nước quản lý, không được kinh doanh tự do. Phim, giấy ảnh chỉ cung cấp, phân phối theo hạn mức cho các cơ quan báo chí như Thông tấn xã Việt Nam để phóng viên tác nghiệp. Nên nếu phát hiện hành khách mang theo chỉ một hộp giấy ảnh hay vài chục cuốn phim thì quản lý thị trường có quyền tịch thu, số lượng lớn có thể ngồi tù.

Máy ảnh Praktica của CHDC Đức những năm 1980 - 1990 rất được dân buôn ưa chuộng

Máy ảnh Praktica của CHDC Đức những năm 1980 - 1990 rất được dân buôn ưa chuộng

Do chất liệu phim, giấy ảnh, thuốc tráng của CHDC Đức rất tốt nên dân làm ảnh trong Nam tín nhiệm và chỉ thích nhập dòng nguyên liệu từ nước này (mà trước đây họ chưa bao giờ được dùng). Còn hàng của Liên Xô, Tiệp Khắc thì ít người dùng vì chất lượng kém nên dẫu giá có rẻ nhưng dân buôn cũng không mặn mà nhập hàng.

Vì vậy, hàng từ ngoài Bắc đổ vào Nam bằng nhiều con đường như buôn đường dài, buôn cò con kiểu đi công tác kết hợp, thậm chí đi chơi cũng có thể xách theo chút ít phụ thêm tiền tàu xe. Phim, giấy ảnh mang bao nhiêu vào tiêu thụ hết bấy nhiêu. Đắt hàng nhất là loại giấy ảnh cỡ 18x24, 13x15 đóng hộp carton (loại giấy dày, tem đỏ dùng cho các loại phim chụp máy normal), hay phim Orwo (Đức) loại 36 kiểu. Một “gốt” phim 10 cuộn được bọc trong giấy bóng kính. Nhiều khi khan hàng không có phim cuộn lẻ thì dân ảnh Sài Gòn đành dùng phim thước đóng vào hộp nhôm, loại gộp 10 cuộn/hộp, hay phim NP55-60m đóng trong trong hộp sắt đều của hãng Orwo.

Ngoài phim và giấy ảnh, các thiết bị máy chụp của Đức cũng là mặt hàng tiêu thụ mạnh. Riêng máy ảnh Đức thì dân buôn Sài Gòn chỉ nhập dòng Praktica L-LLC, ống kính độ mở 2.4/50. Ống kính góc rộng Đức 24/24 dân ảnh Sài thành cũng rất ưa dùng do chất liệu ống kính trong, ra ảnh đẹp, chụp ngược sáng cũng không hề bị “ha-lô” (lóa). Theo những thợ ảnh lành nghề đất Sài Gòn đánh giá thì về chất lượng ống kính, hàng Nhật vẫn hay dùng thời chính quyền cũ cũng không thể bằng ống kính Đức được.

Có một loại thiết bị ảnh mà dân buôn rất ngại trung chuyển do cồng kềnh, lãi ít, nhưng do mối làm ăn lâu dài nên họ vẫn phải nhập, đó là máy phóng ảnh. Thợ Sài Gòn sành sỏi, họ đã thử nghiệm nhiều chủng loại máy phóng ảnh của Nhật, Pháp, Anh, Mỹ… nhưng vẫn tín nhiệm máy dòng Tiệp Khắc của hãng Axomat, Opumys, Manhefax. Riêng máy phóng Manhefax có tới 3 ống kính để phóng các cỡ ảnh khác nhau và có thể phóng to đến cỡ 50x60cm.

Câu chuyện cung - cầu

Địa bàn Hà Nội lúc bấy giờ nổi lên với những “lò” buôn vật tư ngành ảnh có tiếng như bà N (Quán Thánh), ông T (Hàng Dầu), bà T (Triệu Việt Vương), bà Q (Hàng Buồm), ông L (Mai Hắc Đế)… Các “lò” này có đủ chủng loại vật tư thượng vàng hạ cám, từ giấy ảnh hộp nguyên tem cho đến giấy lẻ 10 - 20 tờ bán cho “lò” làm gia công cho khách. Rồi phim chụp cuộn của Nga, phim thước của Đức, hóa chất pha thuốc tráng ảnh, các thiết bị làm ảnh (máy phóng, máy sấy, quy tráng phim, tôn làm bóng ảnh…). Nói tóm lại, thợ ảnh Hà Nội có nhu cầu gì cứ đến các “lò” buôn đều được đáp ứng. Các “lò” này còn cung cấp hàng cho những hiệu ảnh khác trên toàn khu vực miền Bắc nên cuối cùng chủ “lò” nào cũng thành đại gia cả. Tất nhiên là đại gia thời bao cấp cũng có khác thời bây giờ.

Đường dây buôn phim giấy ảnh từ Hà Nội vào Sài Gòn lúc đó đang thời điểm thịnh do lãi suất cao, hàng tiêu thụ nhanh, vận chuyển gọn nhẹ, không cần chuyên môn, nên nhiều con buôn đường dài vốn quen với những mặt hàng cồng kềnh, lãi suất ít cũng đã chuyển sang đánh hàng vật tư ảnh thông qua các tay cò môi giới lấy hàng từ những lò lậu. Nhưng thuế vụ, quản lý thị trường ở ga Hàng Cỏ (Hà Nội) và ga Bình Triệu (Sài Gòn) cũng chẳng phải… tay mơ. Nhiều con buôn bị “rụng” mất hàng, nhưng nguồn cung vẫn liên tục đổ vào. Những đối tượng bị kiểm tra thường lại hay rơi vào cánh buôn không chuyên nên dân buôn nửa mùa mới đẻ ra vô số chuyện buồn cười. Kiểu như hai bà bạn có con trai đi bộ đội, sau giải phóng thì đóng quân ở sân bay Tân Sơn Nhất nên thi thoảng các bà lại rủ nhau vào thăm con. Mỗi lần vào các bà đều mang theo vài cân thuốc lá sợi loại ngon từ Đình Bảng (Bắc Ninh).

Gia đình chủ một hiệu ảnh trong những năm 80-90 của thế kỷ trước

Gia đình chủ một hiệu ảnh trong những năm 80-90 của thế kỷ trước

Sau ít ngày ở lại chơi với con, khi về Bắc các bà lại mua vài mặt hàng về Hà Nội bán lại. Mấy cân thuốc lá sợi bán đi, trừ tiền tàu xe, chi tiêu vẫn còn lãi. Thấy những chuyến đi này rất ích lợi, vừa được thăm con, vừa kết hợp buôn cò con, dần dà các mẹ trở thành con buôn đường dài. Ngồi trên tàu, các mẹ quen nhau rồi mách nước mang thêm phim, giấy ảnh vừa có lãi vừa gọn nhẹ. Chuyến đi sau, hai bà mang theo hai hộp giấy ảnh 18x24. Để êm xuôi, các bà nhồi giấy ảnh bên trong rồi để mấy gói thuốc lá sợi ra ngoài và quấn nilon thật kín. Tàu đến ga Diêu Trì gặp bão, đường sắt ngập lụt không đi được, hành khách phải nằm lại chờ nước rút. Năm ngày sau tàu vào đến Sài Gòn, các mẹ mở bọc hàng thì thấy đã ngấm nước. Thuốc lá sợi thì mốc, giấy ảnh ẩm bị ố vàng, tem đã bong, hạn sử dụng thì mờ tịt, mang đi các tiệm ảnh bán không đâu mua. Mấy hộp giấy ảnh ấy đành quay lại ra Bắc để bán cho mấy lò ảnh thủ công, chấp nhận lỗ nửa tiền. Sau chuyến buôn đó hai mẹ cạch đến già.