Vang mãi bản hùng ca bất tử

(ANTĐ) - Đã 34 năm kể từ cuộc đại thắng mùa Xuân năm 1975 long trời lở đất, đưa non sông thu về một dải nhưng âm vang hào sảng của cuộc chiến đấu thần tốc ấy vẫn còn vang vọng, sự hy sinh quên mình của biết bao thế hệ cha ông vẫn vẹn nguyên giá trị.

Kỷ niệm 34 năm ngày giảI phóng miền nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2009):

Vang mãi bản hùng ca bất tử

(ANTĐ) - Đã 34 năm kể từ cuộc đại thắng mùa Xuân năm 1975 long trời lở đất, đưa non sông thu về một dải nhưng âm vang hào sảng của cuộc chiến đấu thần tốc ấy vẫn còn vang vọng, sự hy sinh quên mình của biết bao thế hệ cha ông vẫn vẹn nguyên giá trị.

Làm nên chiến thắng lịch sử mang tầm thời đại ấy có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng công an chi viện cho chiến trường miền Nam. Họ - những chiến sỹ công an đã một thời hy sinh cả tuổi xuân, sẵn sàng xả thân trong mưa bom bão đạn đã có dịp cùng nhau ôn lại chặng đường rất đáng ghi nhớ của lực lượng CAND tại thành phố Hoa phượng đỏ giữa những ngày tháng 4 lịch sử này…

Thiếu tướng Châu Văn Mẫn (thứ hai từ trái sang) cùng các cựu cán bộ chiến trường B-C-K tại cuộc giao lưu “Vang mãi bản hùng ca bất tử”

Thiếu tướng Châu Văn Mẫn (thứ hai từ trái sang) cùng các cựu cán bộ chiến trường B-C-K tại cuộc giao lưu “Vang mãi bản hùng ca bất tử”

Tất cả vì miền Nam ruột thịt!

Trong cuộc hội ngộ muộn mằn ấy có những cái ôm chầm mừng rỡ, có những cái bắt tay siết chặt làm sống lại tình đồng chí đồng đội thuở nào và cả những giọt nước mắt rưng rưng xúc động. Ngồi lại với nhau trong giây phút đoàn tụ, ôn lại quá khứ về một thời hoa lửa cứ nối dài, nối dài mãi như không thể dứt.

Chuyến lội ngược dòng lịch sử bắt đầu từ năm 1954 khi đất nước bị tạm thời chia cắt thành hai miền chiến tuyến với ranh giới tạm thời là vĩ tuyến 17, ngày ấy đi theo tiếng gọi thiêng liêng “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, không chỉ có các binh đoàn quân đội mà các chiến sỹ công an cũng lặng lẽ nối nhau lên đường chi viện người, vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật cho chiến trường miền Nam.

Chi viện cho chiến trường miền Nam, lực lượng công an đã có  842 chiến sỹ đã ngã xuống, 16 người được Đảng và Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang. Thời gian đã qua đi, những kỷ vật còn lại, những tấm gương hy sinh của các chiến sỹ an ninh vẫn như còn mãi với thời gian, với nhân dân đất nước...

Đại tá Bùi Hữu Hới - nguyên Phó Giám đốc CATP Hải Phòng bùi ngùi nhớ lại khi ấy ông cùng anh em chiến sỹ trong đơn vị chẳng ai bảo ai, tất cả đều xung phong giơ tay đăng ký hết, chỉ chờ tổ chức cấp trên đồng ý là lập tức lên đường vào tiếp sức cho chiến trường miền Nam.

Ròng rã suốt 6 tháng trời ông cùng các đồng đội theo giao liên đi bộ xuyên rừng vượt núi trên tuyến đường huyết mạch dẫn vào Trung ương Cục miền Nam. Sau khi đến nơi, bên cạnh nhiệm vụ bí mật móc ráp, thu thập tin tức giữa trong và ngoài ấp chiến lược được phân công, ông còn không quản ngại khó khăn trực tiếp dạy chữ cho người dân, vận động thanh niên giác ngộ cách mạng…

Cũng trên con đường có ý nghĩa lịch sử ấy, cựu cán bộ cách mạng Trương Đình Duyên - nguyên cán bộ quản lý học viên, trường Đại học Cảnh sát (nay là Học viện CSND) đã từng cõng, thồ, bốc vác không biết bao nhiêu hàng vận chuyển từ trạm này sang trạm khác, từ kho này sang kho kia.

Nhớ lại ngày đó, ông vẫn chẳng thể tin nổi mình còn có thể sống sót đến hôm nay. Có bận bị sốt rét đến 41 độ, mặt tái người run cầm cập nhưng không dám báo cáo lại vì sợ làm ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu chung của anh em chiến sỹ. Rồi có lần ông cùng 7 chiến sỹ phải chống chọi với cả một đại đội tăng cường của Mỹ gồm hơn 120 tên suốt từ sáng đến chiều mới thoát khỏi vòng vây của địch.

Trận đánh đã phá tan sở chỉ huy của địch, song cũng đã làm một chiến sỹ hy sinh, hai người khác bị thương, còn ông thì mang vết thương nặng ở đầu và tay. Song những vết thương về thể xác đó không đau đớn bằng việc sau này ông biết được rằng mình còn bị nhiễm chất độc da cam sau trận rải thảm chất độc hóa học của Không quân Mỹ trên đường mòn Hồ Chí Minh những năm 1965. “Chúng tôi ở dưới lùm cây chỉ ngửi thấy có mùi thuốc lạ nhưng không biết rằng nó độc hại đến thế” - ông tâm sự.

Hệ quả của thứ chất độc chết người ấy là cho đến bây giờ khi đã ở tuổi 70, ông vẫn chẳng thể có lấy một mụn con, đành nhận đứa cháu ruột làm con nuôi cho vui cửa vui nhà. Đôi lúc nghĩ ngợi nhiều cũng mủi lòng nhưng rồi ông lại tự động viên mình vượt qua với ý nghĩ rằng: “Mình còn may mắn hơn những đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường là còn sống được đến ngày hôm nay, trong khi đó có rất nhiều anh em chiến sỹ vào Nam đã hy sinh…”.

Điều kỳ diệu của thời hoa lửa...

Côn Đảo - nhà tù nổi tiếng về sự hà khắc và kiểm soát gắt gao và được mệnh danh là “địa ngục trần gian” song lại là nơi ra đời tờ báo chất chứa khao khát tự do, cất lên tiếng nói tự do của các tù nhân chính trị. Điều không tưởng ấy cho đến bây giờ vẫn là những ký ức không thể nào quên với Thiếu tướng Châu Văn Mẫn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng - Bộ Công an. Ngày đó, khi mới vào tuổi 20, ông hoạt động cách mạng và bị địch vây bắt rồi giam giữ tại nhà tù Côn Đảo.

Trong điều kiện tù đày khắc nghiệt, sự kiểm soát ráo riết của cai ngục và cả những trận tra tấn cực hình dã man bằng đủ các hình thức khác nhau: Bình điện, bằng nước... rồi đe dọa, mua chuộc... song người chiến sỹ năm ấy vẫn không hề nao núng, không gục ngã. “Không được khai báo làm thiệt hại đến cách mạng, không được đánh mất khí tiết của người chiến sỹ cách mạng!” - ý nghĩ ấy đã tiếp thêm sức mạnh giúp ông vượt qua những cơn đau đớn về thể xác và sẵn sàng đối diện với sự hy sinh có thể đến bất cứ lúc nào.

Không chỉ vậy, học tập theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh - “Thân thể ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao”, ông cùng các chiến sỹ bị giam giữ nơi đây đã cho ra đời tờ báo chính thống đầu tiên, cơ quan ngôn luận của Đảng ủy nhà lao 6B với tên gọi “Xây dựng”. Và rồi số báo đầu tiên ra đời vào giữa năm 1972 đã trở thành tài liệu học tập vô cùng quý giá của anh em tù chính trị nói riêng và tài liệu giác ngộ cách mạng của tù nhân Côn Đảo nói chung.

Cầm trên tay tờ “Xây dựng” còn lưu giữ lại được đến ngày hôm nay, Thiếu tướng Châu Văn Mẫn kể lại đầy xúc động: Đội ngũ làm báo của nhà lao 6B đã phải tìm cách tự chế ra mực từ thuốc nhuộm đen, thuốc đỏ y tế, bột nghệ, lá khoai lang... đồng thời cải tiến bút bi thành cây bút viết được nhiều lần, cắt xén màu làm minh họa cho bìa báo, chọn những người viết chữ đẹp để chép bài...

Đặc biệt ông cùng các chiến sỹ cách mạng đã làm tốt công tác vận động trật tự an ninh nội trại và cai ngục có lòng hướng thiện nên được họ giúp đỡ mua bút giấy từ bên ngoài chuyển vào. Cứ thế “Xây dựng” - tờ báo có một không hai trong lịch sử ra được 10 số trong sự kiểm soát gắt gao của địch...  Khi miền Nam sắp được giải phóng, bọn địch trên đảo lo ngại sự nổi dậy giành chính quyền của tù chính trị nên đã xáo trại, chuyển phòng, vì vậy hoạt động của tờ báo bị gián đoạn.

Mang trên mình 13 tấm Huân chương vẻ vang được Đảng và Nhà nước trao tặng từ Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Quân công, Huân chương Giải phóng, là Đại tá - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Xuân Giang - nguyên Phó Trưởng ban An ninh điệp báo, Công an Bình Trị Thiên, nguyên Trưởng phòng Công an tỉnh Quảng Bình.

Từng tham gia 105 trận đánh ngoài chiến trường, song suốt cuộc đời mình ông vẫn không thể nào quên được chiến công vang dội và ý nghĩa nhất của mình là tiêu diệt được tên phản bội Cách mạng - Nguyễn Thanh Tụng vào 8h sáng 8-6-1966. Nguyễn Thanh Tụng nguyên là Bí thư Đảng Đại Việt, huyện Hải Lăng, sau khi hòa bình lập lại đã phản bội Đảng, đầu hàng địch và trực tiếp ra lệnh bắt tù đày, tra tấn và diệt hàng chục chiến sỹ làm cho phong trào Cách mạng của tỉnh Quảng Trị lúc bấy giờ vấp phải rất nhiều khó khăn.

Tên này rất lọc lõi, quân ta đã nhiều lần đánh vào căn cứ của hắn nhưng đều không tiêu diệt được vì vây cánh bảo vệ xung quanh hắn rất đông, lại cẩn mật. Nhận trọng trách nặng nề này, Đại tá Xuân Giang đã cải trang thành Trung úy Bảo An cùng đi với hai đồng chí khác cải trang đeo lon Trung sĩ Ngụy để xâm nhập vào căn cứ của tên Tụng với tư cách tiểu khu quân sự về làm việc.

Tổ biệt động đã nhanh chóng loại được tên lính gác cổng, đồng thời chặn lối thoát phía sau để phòng khi tên Tụng tìm cách chạy thoát. “Lúc đó trong phòng làm việc của Tụng có tới 5 người, tôi không biết ai là Tụng cả nên ra lệnh: “Tụng! Đứng dậy”. Hắn nhìn tôi và cười. Đến khi ra lệnh lần thứ 2 thì hắn đứng dậy, tôi rút súng chĩa về phía hắn, yêu cầu bước qua bên phải hai bước. Hắn giơ tay định chồm súng liền bị tôi bắn gục tại chỗ.

Sau đó tôi lấy cặp tài liệu của Tụng ra trước sân bắn chỉ thiên làm bộ yêu cầu lính Ngụy truy bắt tên ám sát Tụng rồi lợi dụng tình hình náo loạn để rút lui êm thấm” - ông hào hứng kể lại chiến công năm nào. Đến giờ khi ngồi giữa cuộc sống đời thường và hồi tưởng lại, ông bảo cứ suy nghĩ không biết vì sao lúc đó mình làm được như thế: “Lúc đó lòng tự hào và tự tôn dân tộc trong tôi - người chiến sỹ công an rất lớn, có lẽ đó là động lực giúp tôi có thể làm được điều kỳ diệu ấy!” - ông tâm sự..

Những người chiến sỹ Công an Cách mạng năm ấy đã có dịp gặp lại nhau, ôn lại một thời bom rơi lửa đạn hào hùng trong đêm giao lưu “Vang mãi bản hùng ca bất tử” do Tổng cục Xây dựng lực lượng - Bộ Công an phối hợp với Công an thành phố Hải Phòng tổ chức. Lịch sử như sống lại với những người chiến sỹ công an đã quên mình chiến đấu vì Tổ quốc.

Dương Cầm