Vắng bóng tiểu thuyết hay

(ANTĐ) - Kỳ hạn nộp tác phẩm tranh tài tại Cuộc thi tiểu thuyết 2005-2008 đã hết, nhưng điểm mặt những cuốn tiểu thuyết được nhắc đến nhiều trên báo chí từ đầu năm trở lại đây vẫn chưa lấp đầy nổi một bàn tay: Giã biệt bóng tối (Tạ Duy Anh), Dưới chín tầng trời (Dương Hướng), Tiểu thuyết đàn bà (Lý Lan).

Vắng bóng tiểu thuyết hay

(ANTĐ) - Kỳ hạn nộp tác phẩm tranh tài tại Cuộc thi tiểu thuyết 2005-2008 đã hết, nhưng điểm mặt những cuốn tiểu thuyết được nhắc đến nhiều trên báo chí từ đầu năm trở lại đây vẫn chưa lấp đầy nổi một bàn tay: Giã biệt bóng tối (Tạ Duy Anh), Dưới chín tầng trời (Dương Hướng), Tiểu thuyết đàn bà (Lý Lan).

Quầy sách văn học thiếu vắng hẳn những tựa sách mới
Quầy sách văn học thiếu vắng hẳn những tựa sách mới

Ít ỏi là một nhẽ, song lại có đến hai thành viên trong số hiếm hoi ấy bị “bật đèn đỏ” là, Giã biệt bóng tối và Dưới chín tầng. Với Tạ Duy Anh thì còn nhiều tranh luận hay-dở, và điều đáng nói là Giã biệt bóng tối không hề mới ở cả đề tài lẫn hình thức thể hiện.

Còn trên một phương diện khác, có thể nói “đứa con thứ hai” của Dương Hướng là một khát vọng “phá kỷ lục của chính mình” không thành công. Có lẽ sự dồn nén tâm huyết trong một thời gian dài khiến nhà văn như thể hơi tham lam, muốn đưa tất thảy các trải nghiệm, những đau đáu, vật vã thời thế, nhân thế vào cuốn tiểu thuyết.

Thành ra, giống như công việc của người làm cỗ, nhiều nguyên liệu quá, nhiều thực đơn quá lại không đủ “sức” lẫn thời gian để sáng tạo, để chế biến nên bị rối rắm trong chính trùng điệp ý tưởng, để cuối cùng bày ra một mâm cỗ thoạt nhìn thì thịnh soạn nhưng lại không có món nào đặc biệt.

Dưới chín tầng trời đã khiến người đọc kỳ vọng bị hẫng. Với người cầm bút, như thế là một “bước lùi”… Trong bối cảnh ấy, một số tác giả tiểu thuyết lại như ẩn dật lâu quá, số khác vẫn viết thì tác phẩm lại thuộc loại đọc cũng được không đọc cũng chẳng sao.

Những cái tên nóng như Nguyễn Huy Thiệp “đá” sang tiểu thuyết cũng không thành, ông “xuất chưởng” mấy cuốn mà chính ông cũng thừa nhận là “ba xu” như Tiểu Long nữ, Gạ tình lấy điểm. Hồ Anh Thái thất bại với Đức Phật, nàng Savitri và tôi (thất bại theo nghĩa không đạt được tới chính mình trước đó)...

Có thể làm phật lòng các nhà văn khi khẳng định tiểu thuyết Việt Nam mang quá đậm tính báo chí, thông tấn. Nhưng làm sao được vì thực tế cho thấy nhiều khi có đề tài “nóng”, đang là vấn đề bức xúc của xã hội thì nhà văn lập tức xông vào.

Dĩ nhiên, làm như thế vẫn có thể cho ra đời một tác phẩm hay nhưng thường là hay ở từng thời điểm. Khi sự kiện qua đi hoặc được giải quyết, thì cuốn sách rơi vào số phận của một bài báo, bị nhét vào ngăn tủ cũ kỹ.

Thiết nghĩ, điều quan trọng là từ sự kiện đó mà nhà văn nhìn xa hơn, khái quát hơn để hàng chục, thậm chí hàng trăm năm sau đọc lại, người đọc vẫn thấy tươi mới, vẫn thấy cần thiết, vẫn thấy đó là vấn đề của mình, của xã hội mình.

Trong khi đó, các cây viết trẻ cũng im hơi lặng tiếng. Những tuyên ngôn đao to búa lớn về cách tân, về văn học hậu hiện đại vẫn chưa thấy chứng tỏ bằng tác phẩm nào.

Nói như nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa thì: “Những cây bút trẻ tự cắt đứt với quá khứ chứ không dựa vào quá khứ để phát triển, vì dù thế nào thì con người vẫn phải sống với ba chiều của thời gian. Đừng quên rằng trước khi làm thơ tự do, phải biết làm thơ cổ điển. Tuyên bố “tôi sẽ viết thế này, tôi sẽ viết thế kia” rốt cục chỉ là tuyên ngôn về hình thức, chứ không phải là suy tưởng nội dung, mà cách tân thật sự trước hết phải là cách tân từ nội dung”.

Tiểu thuyết là một thể loại khó, và càng khó với người viết trẻ, bởi nó đòi hỏi vốn sống, sự tích lũy, trải nghiệm và khả năng suy tư. Không phải người trẻ không có được những điều ấy. Chả phải Nguyên Hồng đã viết Bỉ vỏ khi mới 18 tuổi, Vũ Trọng Phụng thành danh với Giông tố, Số đỏ ở tuổi ngoài 20 đó sao. Chỉ có điều dường như sự dễ dãi của báo chí, ngành xuất bản và công nghệ lăng xê khiến một tài năng nhỏ cũng có cơ hội được thổi bùng thành “sao”.

Nếu như trước đây, cả nước chỉ có một tờ Văn nghệ và NXB Văn học để các văn tài thi thố thì giờ là hàng trăm tờ báo, hàng trăm nhà xuất bản và cả công cụ blog hiện đại nữa. Một cuốn sách thường thường chỉ cần gắn cho một cái nhan đề giật gân là có chỗ dùng.

Một blogger tập hợp các entry lại để in sách cũng được gọi là nhà văn dù tác phẩm quá thiếu vắng giá trị nội dung lẫn nghệ thuật. Sự thành danh một cách dễ dãi khiến cho nhiều người viết trẻ nhầm lẫn và ảo tưởng. Và đó chính là một nguyên nhân khiến bút lực của họ yếu dần.

Không phủ nhận một số cây bút đã có những bứt phá đáng kể và khao khát mãnh liệt trong việc thoát khỏi các ràng buộc của tiểu thuyết truyền thống để tiếp cận với tiểu thuyết hiện đại. Chỉ có điều “cái áo” ấy cho đến hiện tại thì chưa hẳn nhà văn Việt Nam trẻ nào có khả năng “mặc vừa”.

Đó là chưa nói còn có cả sự nhầm lẫn trong quan niệm về phương tiện sống hiện đại với tâm thế sống hiện đại. Mà mọi bước đột phá trong văn học chỉ có thể được làm nên từ tâm thế thời đại của nhà văn chứ không phải từ việc họ sử dụng công cụ gì để viết.

Hoàng Hồng