“Van” tín dụng tắc nghẽn

ANTĐ - Khi mà tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp hiện nay đang “ốm yếu”, sự động viên, khích lệ khó làm cho họ gượng dậy được. Không thể hy vọng GDP tăng trưởng, kinh tế “ấm nóng” lên khi hoạt động sản xuất kinh doanh của giới doanh nghiệp chưa được cải thiện, hàng tồn kho có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đã chuẩn bị các phương án “rót” vốn cuối năm, nhưng theo các chuyên gia, với mức tăng trưởng tín dụng thấp chưa từng có, nguồn vốn vẫn không thoát khỏi tình trạng “nghẽn mạch”.

Ghi nhận và đồng tình cao với Nghị quyết 13 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, vực dậy thị trường, song theo ý kiến của một ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cần có những giải pháp dù chỉ là tình thế, nhưng phải đủ mạnh để giúp doanh nghiệp đứng dậy và bước đi. Đó là các giải pháp mạnh mẽ về tín dụng và thuế. Hiện tại ngân hàng đang “nặng gánh” nợ xấu tăng cao nên cần thận trọng và chặt chẽ khi cho vay để không chất thêm nợ xấu lên vai. Thế nhưng, nếu quá thận trọng cũng chưa hẳn là tốt cho chính ngân hàng, bởi vì doanh nghiệp “đói” vốn dẫn đến phải giải thể hoặc phá sản thì ngân hàng càng khó thu được nợ, thậm chí “mất cả chì lẫn chài”. Trên thực tế, theo giới phân tích, CPI tháng 9 tăng bất thường, “báo hiệu” lạm phát có thể quay trở lại nên Ngân hàng Nhà nước không thể nới lỏng tiền tệ, Song, do tình hình sản xuất tiếp tục đình trệ nên Ngân hàng vẫn sẽ duy trì mức độ cung tiền như hiện nay cho đến cuối năm. Ở thị trường liên ngân hàng, thanh khoản vẫn ổn định nhưng từ nay đến hết quý 

I-2013, cầu vốn sẽ “nóng” lên theo mùa vụ. Dự báo, trong hai tháng cuối năm Ngân hàng Nhà nước sẽ “bơm” vào thị trường này mỗi tháng khoảng 20.000 tỷ đồng. Đến thời điểm này, thị trường tiền tệ có vẻ như ổn định nhưng một phần lớn là dựa trên sự bất thường của cung - cầu vốn. Bằng chứng là tín dụng 9 tháng qua chỉ tăng 2,35% so với cuối năm ngoái cho thấy, đây là vấn đề bức xúc nhất trong ổn định kinh tế vĩ mô hiện nay. Đây là nhận định của một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ của Chính phủ. Để giải quyết bế tắc này, theo ông, một trong những giải pháp quan trọng là xử lý nợ xấu, “làm sạch” bảng cân đối tài sản của doanh nghiệp nhà nước càng sớm càng tốt. Chính phủ đã tiếp tục thúc giục Ngân hàng Nhà nước chỉnh sửa đề án thành lập công ty mua bán nợ ngay trong năm nay để giải quyết triệt để vấn đề này. Mặt khác, cần tiếp tục thực hiện chính sách thuế mạnh hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp. Mặc dù thâm hụt thu ngân sách đã lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng không mạnh tay ngăn chặn đà phá sản của doanh nghiệp, thì năm 2013 thu ngân sách sẽ khó khăn hơn. Cùng với sự “ốm yếu” của doanh nghiệp, đà suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế càng khó ngăn chặn.

Đây là sự lựa chọn đầy khó khăn cần có sự quyết định mạnh mẽ của Quốc hội, của Chính phủ. Hàng trăm nghìn doanh nghiệp, hàng triệu hộ sản xuất nhỏ đang mong đợi. Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là “van” tín dụng tắc nghẽn.