Văn hóa “di động”

(ANTĐ) - Chủ tọa đang say sưa thuyết trình, đại biểu đang chăm chú lắng nghe, bỗng tất cả giật mình ngơ ngác trước giai điệu quen thuộc dành cho thiếu nhi được phát ra ở một góc phòng: “Bé ơi ngủ đi đêm đã khuya rồi.

Văn hóa “di động”

(ANTĐ) - Chủ tọa đang say sưa thuyết trình, đại biểu đang chăm chú lắng nghe, bỗng tất cả giật mình ngơ ngác trước giai điệu quen thuộc dành cho thiếu nhi được phát ra ở một góc phòng: “Bé ơi ngủ đi đêm đã khuya rồi.

Và những giấc mơ đẹp sẽ luôn bên em”. Sau vài giây ngỡ ngàng, phòng họp vỡ lẽ, hóa ra là nhạc chuông điện thoại di động của một đại biểu. Từ giật mình, ngơ ngác, không ít người có cảm giác khó chịu khi giọng con trẻ vẫn tiếp tục ca khúc trong lúc chủ thuê bao này lục túi tìm điện thoại…

Sau ít phút “ổn định hàng ngũ”, phòng họp đã yên lặng trở lại. Nhưng cũng vì yên lặng mà màn đàm thoại của một đại biểu khác không lâu sau đó trở nên “rõ mồn một”: “A lô. ừ, anh đang họp, cứ nói đi. Sao lại có chuyện đó? à, thế thì có vấn đề gì đâu. Cứ “ngâm” hồ sơ đấy, họp xong về anh xem xét giải quyết. Hoặc nếu cần, em cứ bảo “nó” điện thoại cho anh…”.

Phiền toái vẫn chưa dừng ở đó và cũng vẫn là do… điện thoại. “A lô, chào anh. Em khỏe, cảm ơn anh, anh khỏe không? Gớm, hôm nay có việc gì mà “rồng lại gọi điện cho tôm” thế nhỉ? ối trời, cảm động quá. à, hội thảo ấy mà.

Không, phiền gì đâu, may là khác, em đang buồn ngủ đây…”. Không hay biết đến những ánh mắt bất bình của nhiều người dự họp, cô gái trẻ vẫn hồn nhiên “buôn dưa lê” và chỉ dừng khi có chuông báo giải lao…

Điện thoại chẳng có tội tình gì trong những trường hợp phiền toái đến khó chịu kể trên. Đó hoàn toàn là do yếu tố văn hóa của con người. Nghe thì “to tát” nhưng xét đến cùng, văn hóa trong trường hợp này đơn giản là ứng xử phù hợp với những người xung quanh khi gọi, nghe điện thoại.

Rõ ràng, trong bối cảnh khác không phải là cuộc họp, “chuyện chẳng có gì phải ầm ĩ” nếu ai đó cài nhạc chuông bằng giọng hát của con mình.

Hay “buôn dưa lê” cũng chẳng phải là một thói quen xấu, thậm chí còn được sự cổ vũ mạnh mẽ của nhiều nhà cung cấp thông tin di động… Thế nhưng những điều đó lại diễn ra trong một cuộc họp thì rõ ràng là “có vấn đề”!

Và không chỉ có họp hành, còn rất nhiều tình huống dở khóc, dở cười khó liệt kê hết vì… di động. Nào là quên không tắt chuông và bất chợt có cuộc gọi đúng lúc đang viếng đám tang; rồi nhắn tin, điện thoại cho “ông nọ” lại “cắm cằm bà kia”; hay chuyện dùng điện thoại như một công cụ quấy rối…

Phần nhiều “lỗi” kể trên là do sơ suất. Nhưng đáng buồn thay, cái sơ suất ấy nhiều khi được lặp đi lặp lại và còn có hiệu ứng “đám đông”. Và đáng ngại hơn, nhiều người coi đó là “chuyện nhỏ”!

Thảo Nguyên