Vai trò chủ đạo

ANTĐ - Bàn về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, một trong những quy định cơ bản được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận nhiều nhất với nhiều phân tích sâu sắc nhất là Điều 55 “kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo”, kinh tế tập thể được củng cố và phát triển, kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.

Điều mấu chốt mà nhiều đại biểu không nhất trí là dự thảo sửa đổi Hiến pháp vẫn khẳng định kinh tế Nhà nước (KTNN) là chủ đạo, trong khi trong suốt thời gian qua khu vực kinh tế này không làm tốt vai trò dẫn dắt nền kinh tế. Các đại biểu nhấn mạnh cả 4 thành phần kinh tế phải được đặt ở vị trí ngang bằng, bình đẳng. Để nói về vai trò chủ đạo của KTNN, trước hết phải làm rõ được khái niệm sở hữu toàn dân.

Một đại biểu chỉ ra những thiệt hại về tài nguyên khoáng sản, rừng; những thất thoát về vốn, tài sản làm tổn hại nặng nề cho nền kinh tế tại các doanh nghiệp nhà nước là bằng chứng cụ thể nhất cho việc sở hữu toàn dân không được xác định rõ nên khó quy trách nhiệm. Một đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh quy định KTNN giữ vai trò chủ đạo không cần thiết phải đưa vào Hiến pháp vì đây là đạo luật gốc có giá trị lâu dài, cho nên chỉ cần quy định mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trong nền kinh tế quốc dân. Quy định như vậy thể hiện rõ chủ trương của Nhà nước tạo sự bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh lẫn nhau trong nền kinh tế thị trường giữa 4 thành phần. Tiêu chí quan trọng nhất để phân định các thành phần kinh tế là chế độ sở hữu, tương ứng với một hình thức sở hữu có một thành phần kinh tế.

Việc phân định thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không tuân thủ theo nguyên tắc đó, mà lại dựa trên phạm vi địa lý, không gian giữa trong nước và nước ngoài là không nhất quán về tiêu chí. Thảo luận, đóng góp ý kiến về các thành phần kinh tế quy định tại Điều 55 dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ý kiến của các ĐBQH hiện được chia tách thành hai luồng rõ rệt. Luồng thứ nhất nhất trí giữ như dự thảo, trong đó khẳng định KTNN giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể được củng cố và không ngừng phát triển, dần dần trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Theo sau đó là kinh tế tư nhân và khu vực đầu tư nước ngoài. Luồng thứ hai đề nghị không nên liệt kê các thành phần kinh tế trong Hiến pháp. Nếu khẳng định vai trò chủ đạo của KTNN thì tính lâu bền của Hiến pháp không cao. Hơn nữa, nếu Hiến pháp quy định rõ ràng như vậy rất dễ tạo nên sự bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong chính sách phát triển lâu dài.

Sửa đổi Hiến pháp là một công việc cực kỳ hệ trọng của một quốc gia, Ủy ban Dự thảo Hiến pháp sẽ tổ chức trưng cầu ý dân trực tiếp. Đã có rất nhiều ý kiến phân tích, “mổ xẻ”, đánh giá của các chuyên gia kinh tế cũng như các nhà hoạch định chính sách về vai trò chủ đạo của khu vực KTNN. Đã quá đủ thời gian, đủ thực tiễn cũng như bài học kinh nghiệm để trả lời câu hỏi: Kinh tế Nhà nước đã giữ vai trò chủ đạo như thế nào?