Ưu tiên nơi “đầu sóng”

ANTĐ - Không chỉ đến khi Biển Đông nổi sóng dữ, vấn đề bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc, phát triển kinh tế biển mới được đặt ra mà từ tháng 2-2007, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Một trong những nội dung chủ yếu của Nghị quyết nhấn mạnh, tạo những điều kiện cần thiết đảm bảo đời sống ngư dân, đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân hoạt động trên biển đảo. Trước những diễn biến ở Biển Đông, hơn lúc nào hết, Nhà nước cần bổ sung, điều chỉnh chiến lược biển để kinh tế biển phải nhanh chóng mạnh lên, kết hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo. 

Sau 7 năm triển khai Nghị quyết đã bộc lộ những hạn chế, cho thấy ngành khai thác hải sản dễ bị tổn thương khi gặp thiên tai và “nhân tai”. Đặc biệt trong tình thế hiện nay ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa bị Trung Quốc xâm chiếm, nguồn lợi hải sản ven bờ cũng ngày một cạn kiệt. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, chỉ riêng kim ngạch xuất khẩu hải sản Việt Nam năm 2013 đã lên đến 6,7 tỷ USD, trong khi số lượng tàu khai thác hải sản đa phần là cỡ nhỏ, công suất dưới 90CV, chiếm tới 84% trong đội tàu 130.000 chiếc. Điều thật sự lo ngại là hầu hết các tàu đánh cá của bà con ngư dân đều đóng vỏ gỗ, sử dụng máy cũ tới 80%.

Trong một số hội nghị, hội thảo về kinh tế biển trước đây, nhiều phát biểu đã phân tích sâu thực trạng nghề cá nước ta quy mô nhỏ, quen làm ăn nhỏ lẻ, quanh quẩn gần bờ, chưa đủ nguồn lực mạnh để đầu tư đóng mới, nâng cấp, hoán cải tàu có công suất lớn để chuyển từ khai thác ven bờ vươn ra khơi xa, dám làm ăn lớn, dám cạnh tranh trên vùng biển mở. Trong một phát biểu mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu ngành ngân hàng tạo điều kiện hỗ trợ ngư dân về lãi suất vay vốn để khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư đóng tàu mới khai thác hải sản xa bờ. Không ít chuyên gia kinh tế biển đã nhấn mạnh, quốc gia biển phải dựa vào công dân biển. Họ cần được trang bị tàu thuyền, ngư cụ, tiềm lực đủ mạnh để tự bảo vệ mình cũng như góp phần bảo đảm an ninh, chủ quyền vùng biển Tổ quốc. Để quản lý vùng biển rộng lớn, việc tăng cường khả năng hiện diện dân sự trên biển là một nhu cầu thực tế khách quan và trở thành một trong những vấn đề có tầm vóc chiến lược. Muốn vậy, phải có chính sách đặc biệt và kịp thời để khuyến khích người dân ra sinh sống ổn định trên hải đảo, làm ăn trên biển và bám biển lâu dài.

Bám biển, giữ biển đảo là công việc vô cùng gian nan, vất vả và nguy hiểm. Bên cạnh việc tăng cường lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Nhà nước nên xây dựng một thế trận quốc phòng toàn dân, biên phòng toàn dân trên biển đảo. Ngư dân cần được hưởng một chính sách đặc thù, cơ chế hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất nơi đầu sóng, ngọn gió. Vấn đề sống còn này, theo đề xuất của một số chuyên gia, cần được đặt trên bàn nghị sự của kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII vừa khai mạc.